Thuốc lá thế hệ mới trôi nổi gây nguy hại tới sức khỏe cộng đồng
Đây là thực trạng "nóng" được ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cảnh báo tại tọa đàm "Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành" do báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh tổ chức ngày 18/4 vừa qua.
Nhiều hệ lụy sức khỏe từ thuốc lá thế hệ mới không rõ nguồn gốc
Dù các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng vẫn chưa được cấp phép nhập khẩu, kinh doanh, nhưng thị trường đã tồn tại nhiều sản phẩm trôi nổi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, nhất là giới trẻ trong gần 10 năm qua.
Theo thông tin đưa ra tại tọa đàm "Ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá mới để bảo vệ sức khỏe cộng đồng" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mới đây, thống kê của cơ quan y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới tại thị trường chợ đen ở 34 tỉnh, thành phố đã tăng 18 lần vào năm 2020, khoảng 3,6% so với 0,2% năm 2015.
Theo Phó Cục trưởng Trần Văn Dũng, cuối năm 2020, cơ quan này cũng đã phát hiện, xử lý trên 15.000 sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu, năm 2021 con số này lên đến 70.000, năm 2022 là trên 10.000.
Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ tại tọa đàm "Ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá mới để bảo vệ sức khỏe cộng đồng" |
Song song với sự gia tăng trên là tỷ lệ tội phạm cũng ngày càng leo thang. Hiện nhiều kẻ gian đã lợi dụng lỗ hổng về pháp lý để mua bán, trà trộn ma túy, chất cấm vào các sản phẩm thuốc lá điện tử, sử dụng thiết bị này để làm vỏ bọc trá hình tương tự như đã làm với bánh kẹo, thực phẩm, dược phẩm, đồ chơi….
Mới đây, công an huyện Thạch Thất, Hà Nội đã phát hiện chất ma túy tổng hợp ADB-Butinaca có trong các lô thuốc lá điện tử, do một đối tượng phân phối, bán cho thanh niên trên địa bàn. Đây là chất cần sa tổng hợp nằm trong danh mục ma túy mới, gây tác động đến sức khỏe lớn hơn nhiều lần so với ma túy truyền thống.
Pháp luật cần vào cuộc
Trước tình hình thị trường chợ đen biến tướng, gia tăng trong vòng 10 năm qua kể từ khi sản phẩm này có mặt, nhiều hội thảo đã diễn ra với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng ban ngành liên quan. Gần đây nhất, cũng tại tọa đàm ngày 18/4 nêu trên, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - GS.TS. Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, thuốc lá dù ở dạng nào cũng vẫn có hại cho sức khỏe người dùng, nhưng dù biết là hại mà người hút thuốc vẫn chọn thì đó là quyền tự do cá nhân.
Cũng theo Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, quyền tiếp cận thuốc lá là quyền hợp pháp, do vậy người hút thuốc không đáng để chịu hại kép, khi hút thuốc lá đã là hại mà nếu không được cung cấp sản phẩm hợp pháp, đã qua kiểm định chất lượng thì “hại lại chồng hại”.
Vì vậy, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cùng đại diện các bộ ngành, chuyên gia tham gia trong cùng tọa đàm đều nhất trí cần có hành lang pháp lý cho các sản phẩm này để phòng chống buôn lậu nói riêng, cũng như nâng cao năng lực phòng chống tác hại thuốc lá của quốc gia nói chung. Điều này cũng là gián tiếp bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người hút thuốc.
Một số sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang hiện diện tại thị trường Việt Nam (đã làm mờ tên nhãn hiệu) |
Bàn về vấn đề này, ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ, một sự ngạc nhiên khó hiểu là đã nhiều năm nay vẫn chưa có văn bản pháp lý nào để quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Ông Trung cho rằng, những quốc gia đang phát triển đều đã luật hóa sản phẩm này. Do đó, Việt Nam cần tham khảo các nước đi trước để sớm có giải pháp ứng xử phù hợp với thuốc lá thế hệ mới nhằm ngăn chặn sự hoành hành của thị trường chợ đen hiện nay, bảo vệ người dùng.
Không chỉ có bộ ngành cùng tham gia mà các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế cũng nhận định, nếu không sớm có biện pháp quản lý thích hợp, sẽ rất khó kiểm soát chất lượng của thuốc lá thế hệ mới, bởi đây đều là những sản phẩm có tác động đến sức khỏe cộng đồng. Tại tọa đàm “Xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá” do Báo điện tử VietnamPlus phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức tháng 8/2022, ThS.BS. Lê Đình Phương - Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học gia đình, Bệnh viện FV TP. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu quản lý tốt thuốc lá làm nóng thì sẽ giải quyết được vấn đề sử dụng sai mục đích ”.
Về phía Bộ Công Thương, đơn vị chủ quản ngành hàng thuốc lá, cũng là cơ quan được Chính phủ yêu cầu chủ trì việc đề xuất biện pháp quản lý thuốc lá thế hệ mới, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục công nghiệp cho biết: “Bộ Công Thương đã có đề xuất đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý dưới hình thức quy định trong Nghị định 67/2013. Dự kiến trong quý 2/2023, Bộ sẽ trình Chính phủ để xem xét lại dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá thế hệ mới”.
Bên cạnh đó, ông Hoàn cũng cho biết thêm, hiện Bộ Công Thương đang nỗ lực trao đổi với Bộ Y tế để có sự đồng thuận trong việc đưa định nghĩa, xác định thuốc lá thế hệ mới có phải là sản phẩm theo định nghĩa của luật hiện hành. Đây cũng là mục tiêu quan trọng để Việt Nam sớm có tiếng nói đồng thuận trước kỳ họp Hội nghị Các bên lần thứ 10 (COP10) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức nhằm mục tiêu thảo luận về Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) . Hiện đã có 193 nước ký kết FCTC và Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia thành viên từ rất sớm.
Về mặt lợi ích quốc gia, việc đưa mọi sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào kiểm soát chặt chẽ sẽ không chỉ đem lại nguồn thu thuế, mà còn định hướng ngành hàng phát triển theo hướng tích cực, có ý nghĩa thực tiễn trong mục tiêu cải thiện sức khỏe cộng đồng như những quốc gia đi trước, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật, New Zealand…
Kinh nghiệm từ bài học quản lý thuốc lá làm nóng của Nhật Bản: Theo ghi nhận của Trung tâm dữ liệu y tế Nhật Bản (JMDC), tỷ lệ ca nhập viện điều trị COPD giảm đáng kể từ 2,1% (2017) xuống dưới 1,8% (2022) sau khi cấp phép thuốc lá làm nóng. Cùng với đó, số ca nhập viện của bệnh nhân IHD được ghi nhận, giảm từ 3% (2017) xuống chỉ còn 2,3% trong cùng kỳ năm 2022, theo thời gian bởi Trung tâm JMDC. Đồng thời, chỉ sau 8 năm đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý hợp pháp, Nhật Bản từ quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu hàng đầu thế giới là đã giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu gần 44%, vượt xa mục tiêu 30% mà WHO đặt ra cho các quốc gia. Tương tự Nhật Bản, đã có nhiều quốc gia quản lý thuốc lá làm nóng theo luật hiện hành, điển hình như Mỹ, Anh, Canada, New Zealand, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines… |