Thực thi CPTPP phải đạt những chuẩn mực cao nhất
Nhất trí về sự cần thiết phê chuẩn CPTPP
Thảo luận tại hội trường, hầu hết các đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Quốc hội |
Phát biểu tại Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với nội dung Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan; cho rằng việc quyết định phê chuẩn Hiệp định là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định sự chủ động của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, nâng cao khả năng ứng phó với những tác động kinh tế thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam và đồng thời cũng nhằm thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đang đàm phán.
“Các vị đại biểu Quốc hội cần chủ động, có đề án rà soát sửa đổi các luật có liên quan, bảo đảm cho thực thi Hiệp định CPTPP có hiệu quả. Phát huy hết các cơ hội kinh doanh, tránh các rủi ro. Tận dụng tối đa việc liên kết toàn diện về cả kinh tế, môi trường, giáo dục - đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, văn hóa, chính sách xã hội, bảo đảm quyền của công nhân, người lao động và đặc biệt cần chăm lo, tổ chức công đoàn Việt Nam hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn. Bảo đảm môi trường kinh doanh, giữ vững chủ quyền quốc gia”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn, điều đó có nghĩa nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố bên ngoài. Nếu muốn ổn định, đương nhiên chúng ta phải giữ được cam kết quốc tế, thị trường bên ngoài. Nên tham gia CPTPP là cơ hội rất lớn, nhưng cũng nhiều thách thức, khó khăn.
"Thời điểm này, chúng ta không cần dành nhiều thời gian cho việc thảo luận có nên hay không nên tham gia CPTPP, mà quan trọng nhất là bây giờ cần làm rõ xem, chúng ta sẽ hành động như nào để tập trung được những lợi thế, những cơ hội có thể có được khi tham gia CPTPP và hạn chế đến mức thấp nhất những tác động bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước" - đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Không thể không lo lắng
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đưa ra khuyến nghị về những thách thức, khó khăn khi Việt Nam tham gia CPTPP. Đó là, thực tiễn thương mại song phương, đa phương có thể gặp một số khó khăn; Một số ngành như dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics... có thể đối mặt với thách thức về cạnh tranh.
Trước những thách thức khi tham gia CPTPP, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng: Tất cả mới chỉ là cơ hội và vì kỳ vọng nhiều vào các cơ hội, nên chúng ta không thể không lo lắng về nguy cơ các cơ hội này có thể không trở thành hiện thực. “Bài học từ việc thực thi 10 FTA đang có đã cho thấy rất rõ điều này. Các FTA hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội nhưng phần lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn. Riêng lợi ích từ ưu đãi thuế quan trung bình chỉ tận dụng chưa đầy 40% và chủ yếu thuộc về FDI, hơn 60% còn lại vì nhiều lý do khác nhau đã tuột khỏi doanh nghiệp Việt Nam" - đại biểu Vũ Tiến Lộc dẫn chứng.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) |
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, chương trình này ít nhất phải đáp ứng 3 yêu cầu cơ bản: Một là, do văn kiện CPTPP là sản phẩm của các nhà chính trị và kỹ trị, nên bao giờ cũng quá phức tạp, hàn lâm và kỹ thuật, nên doanh nghiệp khó có thể đọc mà hiểu được ngay và hiểu đúng để vận dụng một cách có hiệu quả. Vì vậy, cần có đầu mối chính thức để hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp về nội dung của các cam kết.
Hai là, trong mọi kế hoạch rà soát, nội luật hóa các cam kết hoặc xây dựng pháp luật liên quan tới Hiệp định, các Bộ ngành cần phải tham vấn rộng rãi và thực chất với cộng đồng doanh nghiệp.
Ba là, cần thiết lập một đầu mối chính thức để tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc xử lý các bất đồng về cách thức diễn giải trong quá trình áp dụng trực tiếp các cam kết cũng như các quy định nội luật hóa Hiệp định.
“Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi Hiệp định này sẽ là một thất bại” – đại biểu Vũ Tiến Lộc thẳng thắn nêu rõ.
“Vì CPTPP là một hiệp định tiêu chuẩn cao nhất từ trước tới nay nên chương trình hành động thực thi Hiệp định này cũng phải đạt những chuẩn mực cao nhất. Đề nghị, cùng với việc phê chuẩn hiệp định, Quốc hội cần giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng và triển khai chương trình hành động bảo đảm thực thi Hiệp định có hiệu quả”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Cũng chung lo lắng, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cho biết: Thách thức trước mắt là hoàn thiện thể chế, đây là quá trình để chúng ta tiếp tục hoàn thiện với yêu cầu hết sức khẩn trương. “Trong thời gian vừa qua Việt Nam đã có sự cố gắng nhưng khi tham gia hiệp định, bắt buộc chúng ta trước mắt cần phải sửa đổi 8 bộ luật, 8 dự án luật cũng như một số văn bản dự luật: Luật Lao động, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Tố tụng hình sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm là bắt buộc chúng ta phải sửa ngay thì mới có cơ hội hội nhập tốt”, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền lưu ý.
Tại hội trường, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã giải trình thêm trước Quốc hội một số vấn đề liên quan về đánh giá tác động, lao động và sửa đổi một số luật khi Việt Nam tham gia CPTPP.
Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình đàm phán, bằng nhiều hình thức, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhiều ngành hàng, doanh nghiệp chịu tác động chính của CPTPP. Ngoài ra, các chuyên gia độc lập quốc tế cũng có những nghiên cứu rất sâu về CPTPP, trong đó có kinh tế Việt Nam. Đây là nguồn tham khảo quan trọng để chúng ta đánh giá tác động.
"Các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được đảm bảo và chúng ta cũng đã giành được các bảo lưu và linh hoạt cụ thể để tham gia CPTPP hiệu quả và có lợi cho đất nước. Trong quá trình thực thi Hiệp định, Chính phủ sẽ thường xuyên cập nhật đánh giá tác động đến tổng thể nền kinh tế, cũng như từng ngành cụ thể; đồng thời xây dựng các giải pháp điều hành một cách phù hợp" - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết.