Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử
Nguồn nhân lực TMĐT vẫn còn hạn chế
Tại thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) TMĐT Việt Nam còn phải đối mặt với một thách thức không nhỏ, đó là nguồn nhân lực TMĐT. Theo số liệu của Cục TMĐT & Công nghệ thông tin, từ năm 2005 đến năm 2012 các trường đại học và cao đẳng đào tạo TMĐT đã tăng lên tổng số 88 trường. Đến năm 2014, một số trường mở rộng đào tạo TMĐT, nhưng so với năm 2012 vẫn xấp xỉ trên dưới 90 trường. Điều đó chứng tỏ đào tạo TMĐT sẽ chững lại trong thời gian tạm thời để tạo đà phát triển trong các giai đoạn tiếp theo.
Ông Trần Hữu Linh- Cục trưởng Cục TMĐT & Công nghệ thông tin phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Hữu Linh- Cục trưởng Cục TMĐT & Công nghệ thông tin cho biết, theo ước tính hiện tại, nước ta có khoảng 500 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Căn cứ theo kết quả khảo sát hàng năm đối với một bộ phận ứng dụng thường xuyên TMĐT, có hơn 80% DN tham gia khảo sát (tương đương hơn 1.000 DN) cho thấy nhu cầu nhân lực TMĐT được đào tạo là rất cần thiết đối với chính DN đó. Trong giai đoạn sắp tới chắc chắn nhu cầu đó sẽ tăng lên nhiều lần khi Việt Nam trở thành quốc gia có hàm lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh lớn, do đó việc tiến hành trao đổi thương mại qua mạng sẽ ngày càng phổ biến hơn.
Bản thân GS,TS Đinh Xuân Sơn- Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại khẳng định, trong 10 năm qua với tư cách là trường đại học đầu tiên trong cả nước đào tạo chính quy bậc đại học ngành TMĐT đã đóng góp không nhỏ cho việc cung cấp nguồn nhân lực TMĐT của đất nước. Nhưng trên thực tế để có bề dày phát triển nguồn nhân lực TMĐT như trường Đại học Thương mại là rất ít.
Đào tạo sát với nhu cầu DN
Theo đánh giá của các chuyên gia TMĐT, thực tế nguồn nhân lực ngành TMĐT cần có kiến thức rộng trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, công nghệ thông tin, quản trị và ngoại ngữ, nên đòi hỏi thời gian đào tạo dài, các lớp ngắn hạn và dạy nghề chỉ giải quyết tạm thời trong thời gian còn thiếu nhân lực. Chính vì vậy đào tạo chính quy dài hạn tại các trường đại học mới là cứu cánh cho nhân lực của TMĐT.
Phát triển nguồn nhân lực TMĐT cần có giải pháp dài hạn
Để thúc đẩy TMĐT phát triển, Bộ Công Thương luôn chú trọng tăng cường các hoạt động đào tạo chính quy TMĐT để có nguồn nhân lực giỏi kĩ năng, kiến thức tay nghề trong lĩnh vực đặc thù và mới mẻ này.
Ông Trần Hữu Linh cũng cho rằng, các cơ sở đại học, đặc biệt là các Trường đại học, cao đẳng cần dành sự quan tâm lớn đến ngành đào tạo TMĐT, xác định rõ định hướng chuyên ngành, thiết kế chương trình đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên, tăng cường mối liên kết với DN trong đào tạo. Cụ thể hàng năm, Cục TMĐT & Công nghệ thông tin, Hiệp hội TMĐT Việt Nam, các DN thường xuyên cung cấp chuyên gia, cơ sở để thực hành, thực tập để tuyển dụng sinh viên TMĐT như Smartlink, Công ty phần mềm Hòa Bình, DKT, OSB…
Ông Linh nhấn mạnh, nhu cầu nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin và TMĐT đáp ứng lĩnh vực của xã hội là khá lớn. Chính vì vậy, tuyển dụng đội ngũ có khả năng làm việc trong các DN vẫn là vấn đề cần đánh giá hiểu rõ nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan nhằm đưa ra phương án giải quyết hữu hiệu nhất.
Đặt kỳ vọng xa hơn, các chuyên gia TMĐT cho rằng, ngoài trách nhiệm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường, các trường đại học, cao đẳng cần phải truyền tải đến sinh viên niềm đam mê kinh doanh, làm giàu bằng chính việc vận dụng các xu hướng phát triển của công nghệ theo đúng quy định pháp luật. Điều này sẽ thúc đẩy sự ra đời của nhiều doanh nghiệp, tạo thêm việc làm trong xã hội và góp phần vào việc phát triển kinh tế đất nước.