Thúc đẩy kỹ năng lao động và tạo việc làm trước thách thức đại dịch Covid-19
Đây là nội dung được bàn thảo sâu rộng tại “Diễn đàn quốc tế tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển những kỹ năng thiết yếu cho thanh niên” vừa qua, nhân dịp kỷ niệm Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (15/7). Sự kiện do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức, nhằm tiếp nối những nỗ lực và ưu tiên của Chính phủ Việt Nam và ASEAN, APEC với những trao đổi và thảo luận và cam kết của các nhà lãnh đạo cấp cao trong phát triển nguồn nhân lực trước bối cảnh thế giới công việc đang đổi thay và trong kỷ nguyên số. Đây cũng là hoạt động trong chuỗi hoạt động Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện việc xây dựng đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” trong năm 2021.
Cải thiện kỹ năng cho người lao động để thích ứng với thay đổi mới của nền kinh tế |
Theo đánh giá của Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM), chất lượng nguồn lao động của Việt Nam đang rất thấp. Trong đó, việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là sơ cấp và các hình thức đào tạo dưới 3 tháng, chiếm 75,3% năm 2019, cao đẳng và trung cấp chỉ 24,7%. Việt Nam chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 25% vào năm 2020. Trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4, chỉ cao hơn Indonesia và Lào.
Bên cạnh đó, thị trường lao động của Việt Nam đang có dấu hiệu già hóa lao động. Lực lượng lao động tại Việt Nam ngày một già hóa với lao động cao tuổi tăng mạnh, lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa. nguyên nhân dẫn tới hạn chế thị trường lao động Việt Nam là sự thiếu đồng bộ, triển khai chậm: sắp xếp mạng lưới trường lớp chưa đi cùng với hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp; xác định các ngành nghề trọng điểm nhưng chưa có chính sách gắn kết giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp; Cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục chưa đi cùng với tự chủ về con người, về chương trình đào tạo; thiếu nguồn lực để thực hiện.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đề ra, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành một nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đồng thời, tiếp tục phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược. Vì vậy, để duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn, thách thức mới bởi đại dịch Covid-19, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, thế giới việc làm thay đổi nhanh chóng do tốc độ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cuộc cạnh tranh thương mại giữa các cường quốc… tại Diễn đàn, thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng - cho rằng, Việt Nam buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Theo đó, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng - nhấn mạnh, tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, nhưng muốn đổi mới, sáng tạo, thì phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - ông Nguyễn Minh Vũ - cũng đưa ra khuyến nghị, lao động thanh niên là lực lượng lao động chủ chốt, sẽ là lực lượng đi đầu trong việc tiếp cận thông tin và đào tạo kỹ năng nghề nhưng hiện nay vẫn còn ít được quan tâm. Vì vậy, hiện có 50% lao động Việt Nam cần đào tạo, đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu, đòi hòi của thị trường và phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Hiện dịch Covid-19 đang tạo ra nhiều thách thức cho lao động, nhất là lao động trẻ, không có kỹ năng, vì vậy, ông Srinivas B Reddy - Giám đốc toàn cầu về kỹ năng và việc làm của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) - chia sẻ, trong bối cảnh mới rõ ràng thanh niên đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận thị trường lao động, nhất là khi số lượng việc làm mới đang giảm, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao, do đó, cần hỗ trợ toàn diện để họ thích ứng với thị trường lao động.
Theo đại diện ILO, những thay đổi nhanh chóng trong thế giới công việc đòi hỏi phải liên tục cập nhật. Để làm được điều này, kỹ năng cốt lõi hoặc kỹ năng chuyển đổi đóng một vai trò rất quan trọng. Cụ thể là những kỹ năng phân tích để thu thập và hiểu được thông tin khổng lồ; kỹ năng giải quyết vấn đề, phân tích tình huống, đưa ra và đánh giá các phương án khác nhau để có một hành động tối ưu; tư duy logic để rút ra quan hệ nhân quả; khả năng làm việc với những người khác để đạt được mục tiêu chung… “Những kỹ năng này rất quan trọng trong việc phát triển khả năng phục hồi và thích ứng của thanh niên đối với sự thay đổi và gián đoạn, làm tăng khả năng của thanh niên để nắm bắt những cơ hội mới trong tương lai”, ông Srinivas B Reddy cho hay.
Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và xu hướng phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động rõ nét đến tương lai việc làm và kỹ năng đối với người lao động. Theo nhiều ý kiến tại Diễn đàn, tới đây sẽ xuất hiện những xu hướng của thị trường lao động toàn cầu trong thời gian tới, cũng như sự chuyển dịch việc làm... Do đó, để có thể ứng phó và thích ứng với các xu hướng, các khuyến cáo đưa ra đều nhấn mạnh, Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chủ trương, định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh mới. Nhất là trong xây dựng môi trường kiến tạo phát triển, đổi mới giáo dục - đào tạo, tái định hình kỹ năng cho thanh niên, xây dựng chính sách an sinh xã hội phù hợp với tương lai việc làm.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 4/10 là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam nhằm khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng, trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động; tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc. Ngoài ra, nhằm thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. |