Thúc đẩy hợp tác thương mại và công nghiệp Việt Nam-Senegal
Trong thời gian ở Senegal, đại diện Thương vụ đã có các buổi làm việc với Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Bộ Ngoại giao và Phòng Thương mại và Công nghiệp Senegal về việc tăng cường hợp tác công nghiệp và thương mại giữa hai nước, đặc biệt là thúc đẩy đàm phán và ký Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại và công nghiệp.
Ông Makhtar Lah,Thứ trưởng Bộ Thương mại Senegal (phải) tiếp Tham tán Thương mại Việt Nam |
Ông Makhtar Lah,Thứ trưởng Bộ Thương mại Senegal cho biết sẽ phối hợp với các bộ Công nghiệp và Ngoại giao nước này sớm có ý kiến trả lời về nội dung MOU nói trên, đồng thời hi vọng hai nước có thể ký kết Bản ghi nhớ vào thời điểm hai bên tổ chức kỳ họp thứ nhất Ủy ban liên Chính phủ hoặc nhân chuyến thăm của Lãnh đạo hai nước.
Ngày 4/12, Thương vụ đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Dakar và Ban tổ chức Hội chợ quốc tế Dakar tổ chức Hội thảo doanh nghiệp giới thiệu tiềm năng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Senegal. Tham dự cuộc gặp có Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dakar, Giám đốc trung tâm xúc tiến ngoại thương và hơn 250 doanh nghiệp của Senegal. Nhân dịp này, Tham tán Thương mại Việt Nam Hoàng Đức Nhuận đã giới thiệu về tình hình kinh tế Việt Nam, quan hệ hợp tác giữa hai nước và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy kinh tế-thương mại song phương.
Ông Makhtar Lah,Thứ trưởng Bộ Thương mại Senegal cho biết, nước này đang tích cực thực hiện “Kế hoạch Senegal nổi lên” do Tổng thống đương nhiệm Macky Sall khởi xướng từ năm 2014 nhằm đưa Senegal trở thành một nền kinh tế mới nổi vào năm 2035. Kế hoạch dựa trên ba cột trụ chính là chuyển đổi về cơ cấu các cơ sở kinh tế, phát huy nguồn lực con người và hướng tới việc Chính phủ điều hành tốt hơn, xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Từ 6 năm nay, Senegal đã đẩy mạnh thực hiện chính sách tự túc lương thực bằng cách phát triển việc trồng lúa nước. Senegal cũng tích cực triển khai nhiều biện pháp cải cách và mở cửa nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Các doanh nghiệp hai bên tham dự Hội thảo |
Senegal là quốc gia Tây Phi, có chính sách thương mại thông thoáng. Năm 2017, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 70,17 triệu USD trong đó Việt Nam xuất khẩu 38,65 triệu USD và nhập khẩu 31,52 triệu USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính gồm nông sản (gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, rau quả), thủy sản, hàng công nghiệp (dệt may, da giày), phương tiện vận tải (phụ tùng ô tô, xe máy). Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Senegal gồm bông, điều thô, hải sản, thức ăn gia súc và nguyên liệu...
Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên nhất trí cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý như ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác thương mại và công nghiệp, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần…; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sang đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau thông qua việc tổ chức các đoàn XTTM, tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn như Vietnam Expo, Foire internationale de Dakar…; Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác thương mại liên vùng trong khuôn khổ chương trình hợp tác Nam-Nam giữa các nước nói tiếng Pháp; Phát huy vai trò của các cơ quan XTTM, cơ quan ngoại giao trong việc hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp.
Phía Senegal cũng kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, chế biến nông sản như bông, điều, sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản… để tận dụng những thế mạnh của thị trường này. Senegal có vị trí cửa ngõ của khu vực Tây Phi, dân số trẻ, tình hình chính trị ổn định, cảng biển Dakar, sân bay quốc tế thuận lợi, luật đầu tư thông thoáng hấp dẫn, các khu chế xuất, đặc khu kinh tế, thành phố thông minh, nhất là những ưu đãi về thuế mà nước này được hưởng khi xuất khẩu sang Liên minh kinh tế tiền tệ Tây Phi (UEMOA), Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (CEDEAO), EU và thị trường Hoa Kỳ.
Tại hội thảo, Thương vụ đã phát các ấn phẩm như Cẩm nang kinh doanh với thị trường Việt Nam (bằng tiếng Pháp), giới thiệu danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, các hội chợ - triển lãm quốc tế lớn của Việt Nam và những địa chỉ hữu ích khác, đồng thời trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp Senegal.
Nhân dịp này, đoàn công tác cũng đã đi thăm Hội chợ quốc tế Dakar, sự kiện thương mại lớn nhất của Senegal với sự tham gia của 670 cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước; Gặp gỡ các doanh nghiệp nhập khẩu của Senegal trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, hàng công nghiệp; Tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt kiều tại Senegal, tạo liên hệ kết nối với các công ty trong nước trong lĩnh vực chè, sữa, cà phê và máy lọc nước; Tìm hiểu hệ thống phân phối hàng hóa của Senegal (như Auchan, Carrefour, Casino), nhất là hàng nông sản.
Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam tham dự chương trình XTTM đều đánh giá, Senegal nói riêng và các nước khu vực Tây Phi nói chung là thị trường tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thương mại cũng như công nghiệp hai bên.