Thúc đẩy dòng chảy hàng hóa qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải
Ngày 31/7, Tạp chí Hải quan phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức tọa đàm “Hải quan và doanh nghiệp đồng hành thúc đẩy dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải”.
Tham gia Tọa đàm có lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; các sở, ban, ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về Hải quan - Tổng cục Hải quan; lãnh đạo Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu và các cục Hải quan khu vực Đông Nam bộ cùng 200 doanh nghiệp là các công ty kinh doanh cảng, hãng tàu, doanh nghiệp logistics, khu công nghiệp.
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu (Ảnh: Nguyễn Ngọc) |
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, toàn tỉnh hiện có 69 bến cảng được quy hoạch, trong đó, có 50 dự án đang hoạt động với tổng chiều dài cầu bến là 17.735m, tổng công suất thiết kế là 180 triệu tấn/năm. Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải là cụm cảng chính của cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện chiếm 90% lượng hàng xuất nhập khẩu cho hệ thống cảng biển toàn tỉnh.
Ông Khánh nhận định, mặc dù cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được những thành tựu đáng kể, song vẫn đang còn nhiều điểm nghẽn cần phải giải quyết như hạ tầng giao thông kết nối, cải cách thủ tục hành chính, Hải quan, kiểm tra chuyên ngành, hệ sinh thái dịch vụ logistics, cơ chế chính sách đột phá như cảng mở, khu thương mại tự do…
“Buổi tọa đàm hôm nay là sự kiện có ý nghĩa quan trọng và thiết thực để tỉnh có cơ hội được lắng nghe ý kiến của các cơ quan quản lý, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn về cảng biển, logistics đóng góp ý kiến, đề xuất các ý tưởng, giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn, đặc biệt là những điểm nghẽn về cải cách hành chính, thủ tục hải quan… để thúc đẩy dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu qua cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, hiện đại hóa hệ thống cảng biển của tỉnh”, ông Lê Ngọc Khánh nói.
Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan - Tổng cục Hải quan chia sẻ tại buổi Tọa đàm (Ảnh: Nguyễn Ngọc) |
Từ góc độ quản lý về hải quan, ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan - Tổng cục Hải quan chia sẻ, để tạo điều kiện thuận lợi phát triển khu vực Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng biển trung chuyển quốc tế của khu vực và trên thế giới, cần thiết phải thực hiện cải cách đồng bộ trên nhiều lĩnh vực gồm: Quy hoạch phát triển cảng biển, giao thông vận tải, hiện đại hóa, số hóa, tự động hóa trong quản lý, vận hành khai thác cảng, phát triển dịch vụ hậu cần hàng hải, thủ tục hải quan, chính sách thuế, phí...
Do đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã dự thảo Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, nghiên cứu tổng thể về chính sách “cảng mở” và đề xuất cơ chế quản lý phù hợp.
Cũng theo ông Tám, trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật; triển khai xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số; triển khai chuyển đổi số trong Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean; đầu tư trang thiết bị hiện đại; đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ dữ liệu hải quan với các nước đối tác trong khu vực và trên thế giới.
Các chuyên gia tham gia ý kiến tại chương trình (Ảnh: Nguyễn Ngọc) |
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng cần xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái các cụm ngành ngành kinh tế hàng hải một cách trọng tâm và tạo đột phá dựa trên các lợi thế sẵn có và nhu cầu phát triển đặt ra.
Đồng thời, phát triển hệ thống logistics gắn với phát triển kinh tế biển thông qua tích hợp sâu hoạt động cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải trong cung cấp dịch vụ logistics; đồng thời phát triển hạ tầng cảng, phát triển hệ thống giao thông vận tải đến/đi từ cảng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động tại cảng; nâng cao lưu lượng hàng hóa được vận chuyển qua cảng đến các trung tâm kinh tế trong vùng và thế giới, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong vùng.
Đặc biệt, cần thành lập Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải để tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian, chi phí và tăng hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cụm cảng này.