Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất để bắt kịp I4.0
Các diễn giả chia sẻ về khả năng thích ứng với I4.0 của doanh nghiệp Việt |
Tại hội thảo “Triển lãm chuyển đổi công nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương (ITAP) - Mang cách mạng công nghiệp 4.0 đến Việt Nam” do Công ty SingEx Exhibition Pte, Ltd,. cùng đối tác quốc tế Deutsche Messe tổ chức chiều ngày 6/8, nhiều ý kiến cho biết: Công nghiệp 4.0 (I4.0) hiện nay đã thay đổi bối cảnh của nền sản xuất đương thời thông qua kỹ thuật số, giúp tăng năng suất sản xuất. Tại khu vực ASEAN nói chung, những tác động này sẽ tạo ra một sự tăng trưởng từ 216 tỷ USD thành 637 tỷ USD mỗi năm trước 2025 (theo báo cáo của McKinsey trên I4.0).
Riêng với Việt Nam, khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN sẽ là một tín hiệu rất tốt cho việc tăng trưởng kinh tế trên diện rộng của Việt Nam trong năm nay, với con số tăng trưởng được dự báo vào khoảng 6,7%. Bên cạnh đó, cam kết của Chính phủ Việt Nam về sự tăng trưởng tập trung vào khu vực tư nhân cũng giúp cải thiện điều kiện kinh tế, cùng với vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và nền sản xuất đã trở thành động lực cho sự tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, để sẵn sàng cho tương lai này, đòi hỏi Việt Nam phải thúc đẩy khả năng tiếp cận đổi mới sáng tạo I4.0 của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thông qua đầu tư cho công nghệ và con người. Bởi lẽ, trong tình hình hiện nay thì công nghệ của nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn còn chưa đồng bộ nên năng suất không cao.
Theo Tổng cục thống kê, năng suất lao động của Việt Nam dù có cải thiện đạt 11.142 USD/lao động trong năm 2018 thì mới chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philippines. Do đó, nếu không được cải thiện kịp thời sẽ khiến Việt Nam bị tụt hậu, không bắt nhịp kịp với làn sóng I4.0.
Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ hoạt động trong ngành công nghiệp đều đang vướng vào những trở ngại kể trên. Nguyên nhân được chỉ ra là do những doanh nghiệp này thiếu vốn nên khó khăn trong đầu tư công nghệ, đội ngũ nhân sự cũng vì thế mà không được đầu tư bài bản, không đáp ứng được khi sử dụng máy móc hiện đại.
Đơn cử như ngành dệt may. Như chia sẻ của Hiệp hội dệt may Việt Nam thì hiện nay ngành may Việt Nam chưa có đội ngũ nhân lực được đào tạo theo kịp với công nghệ hiện đại. Nên nhiều doanh nghiệp dù đầu tư máy móc hiện đại nhưng lại không có người đủ kiến thức để vận hành.
“Sự không chắc chắn trong việc hiểu và thực hiện các bước tiếp cận I4.0 tạo ra trở ngại, cùng với sự thiếu định hướng và tập trung trong các ngành công nghiệp”, đại diện SingEx Exhibitions nhìn nhận.
Trong bối cảnh đó, ông Peter Tan - Giám đốc bộ phận Giải pháp công nghiệp - hạ tầng, kinh doanh sự kiện của SingEx Exhibitions - cho biết: Để cung cấp giải pháp tốt nhất cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ trở thành những người đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, SingEx Exhibitions và đối tác sẽ tổ chức triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore từ ngày 22 – 24/10/2019.
Triển lãm của chúng tôi tổ chức sẽ giải quyết các ưu tiên hàng đầu trong ngành công nghiệp đồng thời dẫn dắt các công ty thông qua các bẫy thí điểm của họ; lựa chọn các giải pháp phù hợp nhất có thể mở rộng, tiết kiệm chi phí và dễ thực hiện. Điểm đặc biệt là các bên áp dụng I4.0 ở tất cả các giai đoạn sẽ được hỗ trợ thử nghiệm các giải pháp và nguyên mẫu từ đó giúp chuyển hóa các mô hình kinh doanh tương đương thành mô hình sẵn sàng bắt kịp với tốc độ phát triển trong tương lai.
Theo SingEx Exhibitions, các công ty Việt Nam khi tham dự triển lãm này sẽ được tham gia các hoạt động, chương trình trực tuyến và trực tiếp cho các nhóm khách hàng mục tiêu, đa dạng trên nhiều lĩnh vực công nghiệp và thị trường. Bởi theo thông tin từ ban tổ chức, từ không gian trưng bày, phòng giao lưu hợp tác đến các chuyến tham quan hướng dẫn riêng… tất đều nhắm đến một mục tiêu là cung cấp giải pháp tốt nhất cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam để họ trở thành những người đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.