Thừa Thiên Huế: Thơ văn trên kiến trúc Cung Đình thành Di sản tư liệu thế giới
Thơ văn trên kiến trúc Cung Đình Huế là những áng văn thơ tinh túy nhất ca ngợi về non sông, đất nước và dân tộc Việt Nam được thể hiện trên các công trình kiến trúc của Cung đình Huế. Điều đặc biệt, hệ thống thơ văn này đều sử dụng ngôn ngữ chữ Hán và độc bản. Tuy nhiên, hiện nay toàn bộ khoảng 2.700 ô hộc thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được chuyển ngữ hoàn toàn sang chữ quốc ngữ để lưu giữ, bảo tồn.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận là Di sản tư liệu chắc chắn sẽ tạo ra cơ sở pháp lý rất tốt để từ đó chúng ta có kế hoạch chiến lược phát huy giá trị của di sản này. Đến thời điểm này, Huế thực sự đã trở thành “Một điểm đến, 5 di sản”, với các di sản đã được UNESCO và tổ chức của UNESCO công nhận trước đó, gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và nay thêm Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016). Đây là sự ghi nhận rất lớn với công sức không chỉ của chúng tôi mà rất nhiều người, trong đó có sự quan tâm đặc biệt của UBND tỉnh, Bộ VHTT Du lịch, đặc biệt là Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.
Trước đó, di sản tư liệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được ghi danh vào Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương và được công bố tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP) tại thành phố Huế vào tháng 5 vừa qua.