Thừa Thiên Huế: Tập trung ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất
Theo Sở Công Thương Thừa Thiên Huế, kinh phí thực hiện các đề án khuyến công địa phương năm 2024 trên địa bàn tỉnh khoảng 1,4 tỷ đồng. Trong 11 đề án thực hiện, thì có đến 7 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại - Sở Công Thương nghiệm thu đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn TP. Huế (Ảnh: NT) |
Việc tập trung, ưu tiên hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất của các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ, cơ sở sản xuất hàng lưu niệm, quà tặng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, nguồn vốn khuyến công địa phương còn có 1 đề án về phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tham gia gian hàng chung tại hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024); 1 đề án nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công; hoạt động thông tin tuyên truyền…
Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản, các sản phẩm làng nghề truyền thống, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế… Góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.