Thừa Thiên Huế: Điểm sáng về xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ
Hiện nay, Thừa Thiên Huế có hơn 99.000 ha rừng trồng, với sản lượng khai thác hàng năm đạt hơn 600.00m3. Trong đó, có khoảng 12.000 ha rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững… Do vậy, đây là một trong những địa phương có tiềm năng và lợi thế để sản xuất và kinh doanh gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Hoạt động xuất khẩu dăm gỗ tại cảng Chân Mây |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh ước đạt 568,27 triệu USD tăng 11,21% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 338,32 triệu USD, tăng 2,25%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 229,95 triệu USD, tăng 27,67% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, nhóm hàng nông, thuỷ sản ước đạt 19,35 triệu USD, giảm 47,70% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 3,41%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 462,16 triệu USD, tăng 11,70% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 81,32%. Trong đó, xơ, sợi dệt các loại ước đạt 97,86 triệu USD, giảm 2,8%; hàng may mặc ước đạt 267,95 triệu USD, giảm 1,73%; nhóm các hàng hóa khác như hương và bột hương, bia, rượu sa kê, hàng thủ công mỹ nghệ, bao bì xi măng… ước đạt 86,75 triệu USD, tăng 44,11% và chiếm tỷ trọng 15,26%.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ ước đạt 96,36 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu tại Thừa Thiên Huế ước đạt 438,6 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ và đạt 64,5% kế hoạch. Nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 352,9 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 80,4% (trong đó kim ngạch nhập khẩu thủy sản ước đạt 1 triệu USD, giảm 79%, nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 273,4 triệu USD, tăng 34%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 78,5 triệu USD, tăng 16,9%); hàng hóa khác như thạch cao, thép, hóa chất, linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu sản xuất bia...ước đạt 80,7 triệu USD, tăng 61,8%.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế đã đến với 48 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, các nước Châu Âu,…
Theo Sở Công Thương Thừa Thiên Huế, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm đã tác động tốt đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí logictisc trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu hiện nay đang gặp phải những khó khăn đó là do các tác động từ xu hướng chuyển đổi xanh trong thương mại quốc tế, xuất khẩu trong bối cảnh thực thi Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU được áp dụng và không phải chỉ EU mà các quốc gia khác như Mỹ, Canada… cũng đã, đang và sẽ áp dụng các quy định xanh trong xuất nhập khẩu.
Từ đầu năm 2024, giá cước vận tải biển có xu hướng tăng cao, trong đó có cước vận chuyển hàng hóa bằng container và dự báo thời gian tới vận tải biển có những biến động, nhất là các tuyến vận tải quốc tế đi châu Mỹ, châu Âu do ảnh hưởng của xung đột tại khu vực Biển Đỏ. Đồng thời, thị trường xuất khẩu tuy phục hồi nhưng chưa vững chắc; tỷ giá biến động khá mạnh trong 6 tháng đầu năm đã tác động đến kế hoạch nhập khẩu, sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Tỉnh Thừa Thiên Huế có chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây |
Ông Nguyễn Thanh – Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó trong hoạt động xuất khẩu, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, ngành Công Thương đã và tiếp tục triển khai một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng. Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.
“Đồng thời, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch thuộc ngành quản lý như: đề án công nghiệp nông thôn; kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh; kế hoạch phát triển thương mại điện tử; kế hoạch triển khai chiến lược Hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Thừa Thiên Huế,… để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ; cải tiến mẫu mã, chất lượng để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm; quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ; kết nối xuất khẩu sang các thị trường mới”, Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh nhấn mạnh.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Thừa Thiên Huế tháng 6/2024 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng đầu năm, IIP tăng 2,9% so với cùng kỳ; trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước giảm 1,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 5,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 20,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,1%. Giá trị ngành xây dựng tăng mạnh, ước tăng 14,53% so với cùng kỳ. |