Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế cho biết, hai năm qua, hoạt động của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát kéo dài. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, làn sóng chuyển đối số trong DN để thích nghi với tình hình sản xuất, kinh doanh trong đại dịch lại được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Cộng đồng DN đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, bằng cách áp dụng chuyển đổi số trong quản trị điều hành, duy trì tối đa hoạt động.
Thừa Thiên Huế đẩy mạnh xu hướng chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực |
Ông Dương Tuấn Anh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế - cho biết, thời gian qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối cùng Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và truyền thông… thực hiện 3 hội thảo về CĐS trong DN, thực hiện “Tuần chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế”. Đến nay, đã có hơn 60% DN triển khai CĐS, trong đó có nhiều DN triển khai CĐS rất nhanh và đạt hiệu quả như Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, Công ty CP Tư vấn và đầu tư Cộng Hưởng, Công ty CP Dệt may Huế, Scavi, Công ty Hồng Đức, du lịch DMZ và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực siêu thị như Big C Huế, Co.op Mart Huế…
Đại diện Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) cho biết, năm 2021, thực hiện chủ đề CĐS của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nâng cao trình độ quản trị, quản lý DN, làm chủ công nghệ, công ty chú trọng đẩy mạnh triển khai các giải pháp, hoạt động về CĐS. Điển hình như đưa vào sử dụng "Quầy giao dịch số”. Giải pháp “Quầy giao dịch số” sẽ tích hợp một số dịch vụ điện như đăng ký cấp điện mới sinh hoạt, thay đổi mục đích sử dụng điện, thay đổi thông tin đã đăng ký, thay đổi định mức sử dụng điện và cuộc gọi trực tuyến Video call khi khách hàng cần hỗ trợ từ giao dịch viên ngành điện. Đồng thời, triển khai kênh tương tác qua mạng xã hội Facebook nhằm kịp thời trả lời, giải đáp các thắc mắc của người dân, khách hàng sử dụng điện. Tích hợp thông tin dịch vụ ngành điện lên Ứng dụng đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S)…
Ông Nguyễn Đại Phúc - Phó Giám đốc PC Thừa Thiên Huế - cho biết, hiện nay, PC Thừa Thiên Huế đã cung cấp 19 dịch vụ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Phạm vi các loại thông tin dịch vụ bao gồm lịch tạm ngừng cung cấp điện, tra cứu tiền điện, lịch sử sử dụng điện và thay đổi thông tin, đăng ký cấp điện mới… “Từ cuối năm 2017, công ty đã triển khai các dịch vụ điện trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đến nay, PC Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị đầu tiên của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên triển khai hoạt động này”, ông Phúc cho biết thêm.
Quầy giao dịch số tại PC Thừa Thiên Huế sẽ hỗ trợ khách hàng về dịch vụ điện trên nền tảng công nghệ |
Bà Nguyễn Thị An Nhàn - CEO Công ty CP Tư vấn và đầu tư Cộng Hưởng (CoPLUS) - cho biết, CoPLUS bắt đầu triển khai số hóa từ năm 2018. Đến giữa năm 2019, công ty đã nhìn nhận lại và bắt đầu có sự thay đổi, Ban điều hành công ty bắt đầu triển khai kế hoạch chuyển đổi số một lần nữa, rà soát lại tình hình thực tế về nguồn lực nội bộ, gồm các hạ tầng về dữ liệu, nhận thức của nhân sự, nguồn lực tài chính cũng như nhu cầu công việc thực tế cần đáp ứng để gia tăng hiệu quả quản lý, đáp ứng nhu cầu và trải nghiệm của khách hàng về dịch vụ của công ty. “Nền tảng ban đầu và quan trọng nhất để CĐS chính là một kế hoạch chi tiết, một chiến lược phù hợp, việc số hóa dữ liệu, có những con người phù hợp, nhận thức phù hợp và sẵn sàng 1 nguồn lực tài chính để nâng cấp công nghệ”, bà An Nhàn chia sẻ thêm.
Ông Trần Đức Minh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thừa Thiên Huế - cho biết, lâu nay nhiều DN tại Thừa Thiên Huế đã áp dụng bán hàng bằng mã vạch, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nghiệp vụ kế toán bằng phần mềm, thực hiện thương mại điện tử, tuy nhiên hiệu quả mang lại vẫn chưa cao.
Do vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền về CĐS để các DN, đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ nắm bắt những chính sách, tiện ích của hoạt động này. “Các cơ quan quản lý nhà nước nên tuyên truyền, hỗ trợ DN CĐS theo hướng “cầm tay chỉ việc”, tức là cơ quan quản lý tìm đến các DN để hướng dẫn, ứng dụng CĐS đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó hoạt động này sẽ hiệu quả hơn, bởi hiện nhiều chính sách từ CĐS các DN chưa nắm bắt hết, thiếu thông tin”, ông Đức Minh chia sẻ.
Với mục tiêu triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển chính quyền điện tử tỉnh dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới hình thành chính quyền số; từng bước xây dựng phát triển các dịch vụ đô thị thông minh. Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ hai, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021- 2026 đã thông qua Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế, với tổng kinh phí thực hiện chương trình khoảng 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ký kết hơp tác chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021 - 2025 với hai “ông lớn” về công nghệ là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và VNPT. Nội dung ký kết là tăng cường chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội… trong đó khuyến khích các DN đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa.