Thủ tướng yêu cầu về '5 rõ' trong thực hiện Đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao
Chiều 15/10, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Thủ tướng khẳng định ĐBSCL có nhiều lợi thế, tiềm năng về con người, truyền thống lịch sử văn hóa, đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ngành lúa gạo, thủy hải sản - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Kết quả thí điểm "rất tích cực"
Báo cáo sau một năm triển khai Đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã cùng các bộ, ngành và các địa phương tham gia Đề án cơ bản ban hành đủ các văn bản pháp lý để triển khai thực hiện, trong đó có Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Kế hoạch đo đếm kết quả giảm phát thải để công bố hệ số giảm phát thải trong sản xuất lúa gạo tầm quốc gia.
Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Đề án, Bộ đã lựa chọn, xây dựng vùng tham gia Đề án, xây dựng các mô hình thí điểm theo quy trình kỹ thuật.
Hiện 7 mô hình thí điểm được triển khai trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Hiện 4/7 mô hình thí điểm vụ Hè - Thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực.
Cụ thể, giảm chi phí 20-30% (giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân bón đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới); tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/hécta); tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/hécta so với đối chứng), giảm trung bình 3-5 tấn CO2 tương đương trên một hécta và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg thóc.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, kết quả đạt được các mô hình thí điểm rất tích cực, đã tạo khích lệ lớn cho các hộ nông dân và hợp tác xã tin tưởng và tiếp tục tích cực tham gia Đề án.
Tăng tốc đầu tư hạ tầng
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực vượt khó và đóng góp quan trọng của ĐBSCL trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và toàn cầu. Đây cũng là dấu ấn nhiều quốc gia đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng khẳng định ĐBSCL có nhiều lợi thế, tiềm năng về con người, truyền thống lịch sử văn hóa, đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ngành lúa gạo, thủy hải sản.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết này và từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL, với số lần làm việc tại ĐBSCL là nhiều nhất so với các địa phương, các vùng khác trên cả nước.
"Không có cuộc gặp, trao đổi nào với các đối tác quốc tế mà tôi không nói đến ĐBSCL. Bởi việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn thì không thể không nói đến ĐBSCL. Mặt khác, với vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm trên thế giới, ĐBSCL rất có cơ hội để phát triển", Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ kết quả - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả đạt được ban đầu trong thực hiện Đề án là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai Đề án còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong cả nhận thức và hành động; quy hoạch và xác định vùng trồng lúa; cơ chế, chính sách, về việc huy động, bố trí nguồn lực triển khai Đề án…
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại hội nghị, các bộ, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình triển khai Đề án; nêu rõ những vướng mắc, đề xuất, kiến nghị.
"Tôi hay nói trách nhiệm là phải năm rõ: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm và rõ tiến độ. Những cái làm được thì rút kinh nghiệm và phát huy, những cái chưa làm được thì phải có nguyên nhân và nguyên nhân đó thì ai chịu trách nhiệm, ai phải làm, làm trong bao lâu và kết quả thế nào phải rõ, không nói chung chung, không nói cho vui", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, có một số việc cần phải làm trong thời gian tới. Một là hạ tầng phải phát triển. Vùng đang tập trung hệ thống đường cao tốc, cảng biển và đang bắt tay vào xây dựng các cảng thủy nội địa đã có quy hoạch. Thứ hai là phát huy được điều kiện sông nước của Đồng bằng sông Cửu Long, giảm chi phí logistics và tăng cạnh tranh của hàng hóa.
"Thị trường Trung Quốc mở ra rất tốt. Vừa rồi Thủ tướng Lý Cường qua đây nói rất rõ là tiếp tục mở cửa cho các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam. Năm nay dừa chúng ta mới mở ra thôi nhưng dự báo thu được 250 triệu USD, sang năm phấn đấu 1 tỷ USD, làm sống lại cây dừa ở ĐBSCL đúng với giá trị của nó.
Chúng ta thực sự có cảm xúc, có trách nhiệm, và tự hào về văn hóa, con người ĐBSCL, tự hào vùng đất rất đặc biệt, từ đó thổi hồn vào bằng trách nhiệm, bằng nhiệt tình, bằng khoa học công nghệ, bằng phát triển hạ tầng thì nó sẽ phát triển. Không đâu có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh như ĐBSCL", Thủ tướng chia sẻ.