Thủ tướng: Triển khai các dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải với tinh thần “bàn làm, không bàn lùi”
Sáng 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tảichủ trì họp Phiên thứ 10.
Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với đầu cầu 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì họp phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Dự phiên họp có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các ban quản lý dự án, các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, từ khi thành lập, đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo đã bám sát thực tế, theo dõi, chỉ đạo điều hành quyết liệt, thúc đẩy triển khai công trình, dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, bảo đảm vệ sinh môi trường; kịp thời tháo gỡ khó khăn, bất cập, thách thức trong quá trình triển khai; rà soát cơ chế, chính sách điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp thực tiễn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để triển khai các dự án, nhất là các dự án quy mô lớn…
Theo Thủ tướng, hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường Vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai TP. Hồ Chí Minh. Do đó, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là rất lớn.
Sau 9 phiên họp, Ban Chỉ đạo có thêm nhiều kinh nghiệm, các công trình, dự án được triển khai tốt hơn, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là ngành giao thông vận tải và các địa phương có dự án trên địa bàn đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm… trong tất cả các khâu từ thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, quản lý dự án, chăm lo cho cuộc sống, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng…
Trước đó, tại phiên họp lần thứ 9, Ban Chỉ đạo đã đề ra 40 nhiệm vụ, trong đó có 16 nhiệm vụ có thời hạn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại phiên họp thứ 10 này, các bộ, ngành, địa phương báo cáo, thảo luận kết quả thực hiện; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; đề xuất các giải pháp để thúc đẩy triển khai các dự án trong thời gian tới.
Trong đó, lưu ý nêu các vấn đề như thủ tục đầu tư; việc cấp, khai thác mỏ vật liệu thông thường phục vụ các dự án theo cơ chế, chính sách đã được ban hành, tránh tiêu cực; vấn đề phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, năng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra và có công cụ để can thiệp, xử lý, khen thưởng kịp thời; tiến độ bàn giao mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; chuyển mục đích sử dụng rừng…, trên tinh thần "bàn làm, không bàn lùi".
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau cuộc họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo vào ngày 16/2/2024, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động, tích cực, phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” các cấp chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời hạ tầng kỹ thuật; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục trong chuẩn bị đầu tư; chỉ đạo các nhà thầu khắc phục các khó khăn, vướng mắc, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để đẩy mạnh thi công các dự án được giao là cơ quan chủ quản; giải quyết kịp thời thủ tục cấp mỏ cho các nhà thầu theo cơ chế đặc thù.
Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương, nhà thầu thi công thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội; hướng dẫn thủ tục để sử dụng phần đất dôi dư của dự án CHKQT Long Thành cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đang hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến của các thành viên Chính phủ để thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Nghị quyết số 273/NQ- UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thành lập tổ công tác để thực hiện rà soát, hoàn thiện hệ thống định mức theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 02/CĐ-TTg ngày 9/1/2024;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phân cấp và giao cơ quan chủ quản đầu tư các dự án đường bộ cao tốc; đã thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc TP.HCM- Mộc Bài; đã có ý kiến về hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Hiệp định vay ADB cho dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; hướng dẫn về phân bổ, phê duyệt dự toán cho các dự án; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh triển khai di dời đường điện cao thế; Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai công trình, dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; đã thông báo và báo cáo kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường ô tô, đường cao tốc để các địa phương làm cơ sở triển khai; đang hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường ô tô cao tốc để ban hành trong tháng 3/2024; phối hợp với Bộ Xây dựng để rà soát hệ thống định mức; khởi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Về công tác chuẩn bị đầu tư các dự án: Đến nay, tỉnh Sơn La đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua Sơn La.
Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài theo ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2024.
Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Lâm Đồng, Bình Dương đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Bảo Lộc - Liên Khương, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành tiến độ bám sát kế hoạch đề ra.
Về công tác thực hiện đầu tư các dự án, đa số các địa phương đã tích cực, quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng, cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai thi công; công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời đường điện cao thế triển khai còn chậm so với yêu cầu. Các tỉnh Quảng Trị (dự án Vạn Ninh - Cam Lộ), thành phố Đà Nẵng (dự án Hòa Liên - Túy Loan), tỉnh Đồng Nai (dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh),… chậm so với kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo về tình hình vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án, vấn đề giải phóng mặt bằng.