Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) là chủ đầu tư một số dự án bất động sản nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh.
Lỗ lũy kế 3.096 tỷ đồng
SDI Corp thành lập ngày 21/4/1999 với người đại diện pháp luật hiện tại là bà Mai Thị Kim Oanh và ông Trương Văn Hùng. Dù đã có gần 25 năm hoạt động công ty này vẫn ghi nhận nhiều năm liền không phát sinh doanh thu. Đi cùng với đó là thua lỗ thảm triền miên.
Trong năm 2022 và 2023, doanh thu của SDI Corp duy trì ở mức 0 đồng. Doanh thu ổn định nhưng lỗ sau thuế của công ty giảm sâu từ 2.935 tỷ đồng của năm 2022 xuống 103 tỷ đồng năm 2023. Nguyên nhân là do công ty giảm mạnh chi phí nhưng hoạt động khác lại cải thiện rất mạnh.
Cụ thể, trong năm 2023, chi phí tài chính giảm 2.695 tỷ đồng, tương đương 88,4% xuống chỉ còn 353 tỷ đồng. Trong đó, đa phần là chi phí lãi vay. SDI Corp tiết kiệm được lãi vay khi vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm sâu từ 10.092 tỷ đồng xuống còn 5.734 tỷ đồng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng thu hẹp lại khi đạt 3.049 tỷ đồng sau khi giảm 2.538 tỷ đồng, tương đương 45,4% so với năm 2022.
Trong khi đó, lợi nhuận khác lên tới 1.625 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số thua lỗ 212 tỷ đồng của năm 2022. SDI không thuyết minh cụ thể lợi nhuận khác đến từ đâu, chỉ biết rằng trong năm 2023, công ty thu về 2.591 tỷ đồng tiền thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác.
SDI Corp đã nỗ lực tiết chế lỗ thành công. Dù vậy, cộng với nhiều khoản lỗ khổng lồ trước đó, tại ngày 31/12/2023, SDI Corp gánh lỗ lũy kế 3.192 tỷ đồng. Với vốn góp chủ sở hữu 3.845 tỷ đồng, các khoản lỗ tích lũy trong nhiều năm liền đã “thổi bay” 3.192 tỷ đồng vốn cổ đông. Hiện tại, vốn chủ sở hữu SDI Corp chỉ còn hơn 653 tỷ đồng.
SDI Corp đang lỗ lũy kế 3.096 tỷ, 1 đồng vốn "gánh" 156 đồng nợ. (Ảnh minh họa) |
99,4% nguồn vốn là nợ, 1 đồng vốn “gánh” 156 đồng nợ
Bên cạnh thua lỗ, SDI Corp đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng khác xét về mặt tài chính nữa là hoạt động gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nợ thành phần đóng góp chính là nguồn vốn của công ty lại là nợ.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của SDI Corp lên tới 102.095 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD), tăng 6.070 tỷ đồng, tương đương 6,3% so với năm 2022. Nợ phải trả cao gấp… 156 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 99,4% tổng nguồn vốn. Hay nói cách khác, tại SDI Corp, cứ 1 đồng vốn phải “gánh” 156 đồng nợ.
Trong tổng nợ của SDI Corp, phải trả dài hạn khác là chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến 76% nợ phải trả (tương đương 77.604 tỷ đồng), tăng mạnh so với 9.335 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.
Vay nợ cũng là con số khổng lồ tại SDI Corp. Hồi cuối năm 2023, tổng nợ vay của công ty này lên tới 13.833 tỷ đồng, cao gấp 21,2 lần vốn chủ sở hữu. Khối nợ khổng lồ khiến chi phí lãi vay hàng năm của SDI Corp ở mức rất cao, lần lượt đạt 353 tỷ đồng (năm 2023) và 235 tỷ đồng (năm 2022).
SDI còn dư nợ trái phiếu khá lớn với 6.538 tỷ đồng. Lô trái phiếu này được phát hành trong ngày 15/12/2021. Ngày đáo hạn là 15/12/2024. Như vậy, SDI Corp chỉ còn hơn nửa năm để thanh toán 6.538 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu, chưa kể lãi.
Một nguồn nợ đáng chú ý khác là nợ thuế. Hồi cuối năm 2023, SDI Corp có 150 tỷ đồng thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, tăng rất mạnh so với con số 42,7 triệu đồng hồi cuối năm 2022.
Trước đó, SDI Corp cũng gặp tai tiếng về thuế. Ngày 15/5/2022, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế chây ỳ đợt 2/2022. SDI Corp bị “bêu tên” với số nợ thuế lên tới 404,5 tỷ đồng. Trước đó, tính tới tháng 8/2019, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết SDI nợ thuế tổng cộng 455,5 tỷ đồng.