Thứ sáu 27/12/2024 14:12

Thư Qatar: "Lỗ nặng" hay "lãi khủng" từ những dấu ấn của World Cup 2022?

World Cup 2022 đã chính thức khép lại và câu hỏi luôn đặt ra trong lòng người hâm mộ liệu đất nước này đã thu về bao nhiều tiền sau khi đã tạo ra những dấu ấn?

World Cup 2022 đã chính thức khép lại và Argentina là đội tuyển được mỉm cười sau cùng với chức vô địch không thể ấn tượng hơn. Tất nhiên sau đêm chung kết huyền diệu tại Lusail, bên cạnh ngày đăng cơ của Messi với "long bào của Chúa", vẻ mặt thẫn thờ của Kylian Mbappe hay màn ăn mừng đầy khiêu khích của Emiliano Martinez thì Qatar cũng xứng đáng được nhớ tới và nhắc tên khi đã có một kỳ World Cup tổ chức thành công ngoài mong đợi. Sau đây hãy cùng Báo Công Thương tổng kết lại kỳ được xem là thành công nhất, xa hoa nhất trong lịch sử này.

Công tác tổ chức World Cup

Điểm đầu tiên không thể không nhắc tới đó chính là công tác tổ chức cực kỳ chuyên nghiệp và có đầu tư một cách bài bản của nước chủ nhà Qatar. Với túi tiền không đáy của mình, không khó hiểu khi mà Qatar đã mang tới cho người hâm mộ trên toàn thế giới một bữa tiệc bóng đá đặc sắc thực sự.

Các nước chủ nhà World Cup thường sẽ phải chi ra số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD cho việc chuẩn bị, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng khách sạn, sân bãi... Trong trường hợp của Qatar, con số này là 229 tỷ USD - một kỷ lục trong lịch sử các kỳ World Cup, biến nó trở thành giải đấu đắt nhất từ ​​​​trước đến nay.

Qatar đã có một kỳ World Cup 2022 hết sức thành công

Bằng một sự chuyển mình ấn tượng, Qatar đã không tiếc tiền để có thể hoàn thiện mọi vấn đề về cơ sở vật chất để áp ứng nhu cầu của hơn 1 triệu du khách trong thời gian giải diễn ra.

Tính ra Qatar đã chi 18% GDP, tương đương hơn 26 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại, cho cơ sở hạ tầng, vượt xa chi phí tổ chức các kỳ World Cup trước đó. Để so sánh và dễ hình dung hơn, Nam Phi chi 3,3 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng World Cup 2010, trong khi Brazil đầu tư 11,6 tỷ USD vào sự kiện 4 năm sau đó.

Về cơ bản, người hâm có thể cảm nhận được những giá trị đặc sắc và tiện nghi trong thời gian lưu trú tại quốc gia này. Lần đầu tiên trong lịch sử 92 năm, World Cup được tổ chức tại một quốc gia Trung Đông, trở thành sự kiện thể thao lớn nhất từng diễn ra trong khu vực và người Qatar đã không bỏ qua cơ hội vàng mười này để quảng bá hình ảnh về mặt đất nước cũng như văn hóa của họ với toàn thế giới. Qatar đã khép lại một kỳ World Cup bất bình thường bằng thành công vang dội.

Công nghệ bóng đá thời 4.0 ra đời

Ban tổ chức của World Cup 2022 cũng đã tạo điểm nhấn khi đưa Công nghệ bắt việt vị bán tự động vào áp dụng tại giải đấu và tạo ra một sự công tâm khách quan tới tuyệt đối. Trước đó tại World Cup 2014, Goal line được ứng dụng ghi nhận phản hồi tích cực. Tới World Cup 2018, VAR được áp dụng và tới World Cup 2022 thì Công nghệ bắt việt vị bán tự động trở thành điểm nhấn nổi trội bên cạnh các quyết định của trọng tài.

Công nghệ Việt vị bán tự động là điểm nhấn về mặt công nghệ tại World Cup 2022

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan tới sân bãi, lịch thi đấu lẫn công tác tổ chức cụ thể trong từng trận cũng nhận được lời khen và đánh giá tích cực tới từ giới chuyên môn.

Trọng tài chưa bao giờ hết nhức nhối

Ở bất kỳ giải đấu nào, dù là quy mô, mức độ lớn hay nhỏ thì công tác trọng tài vẫn luôn là một trong những vấn đề nhức nhối và được quan tâm nhiều nhất. World Cup 2022 cũng đã chứng kiến những khoảnh khắc gây tranh cãi, đồng thời là những phút giây lịch sử.

Đầu tiên phải kể tới việc lần đầu tiên trong lịch sử, các trọng tài nữ được phân công điều khiển một trận đấu tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Đây được xem là nước đi mang tính đột phá về cái được gọi là bình đẳng giới trong bóng đá. Trên thực tế, việc các trọng tài nữ xuất hiện trong giải đấu tại Qatar, khu vực Ả rập vốn là nơi cực kỳ khắt khe với nữ giới. “Đó là dấu hiệu mạnh mẽ từ FIFA và các nhà chức trách về việc có trọng tài nữ ở một quốc gia Hồi giáo.”, một thông điệp được nhắn gửi thông qua hành động này.

Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup trọng tài nữ cầm còi một trận đấu

Thứ nữa, đó là các quyết định gây tranh cãi của các trọng tài ở giải đấu năm nay. Điển hình như trong các trận đấu bán kết giữa Pháp - Morocco, sau trận đấu, Liên đoàn bóng đá Morocco thậm chí còn đệ đơn khiếu nại chính thức lên FIFA cáo trọng tài Cesar Ramos đã không công tâm và có phần thiên vị với người Pháp.

Hay việc Lionel Messi thẳng mặt chỉ trích trọng tài Lahoz ở cuộc đấu giữa Argentina và Hà Lan ở tứ kết. Về cơ bản, đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất tại các giải đấu, không riêng gì World Cup.

Nhà vô địch, nhà á quân và hạng 3

Kết thúc 64 trận đấu tại World Cup 2022, cái tên cuối cùng giành danh hiệu vô địch đã được xác nhận là Argentina sau khi giành chiến thắng trước Pháp ở trận chung kết. Đây cũng đồng thời là trận đấu ghi nhận một cuộc đối đầu mãn nhãn về mặt cảm xúc khi cả hai đã thực hiện một cuộc rượt đuổi tỷ số ngoạn mục trước khi phân định thắng thua trên chấm luân lưu. Argentina với bản lĩnh và sự lì lợm hơn đã giành chiến thắng với tỷ số 4-2, qua đó chính thức trở thành nhà vua mới của bóng đá thế giới.

Về phần mình, Pháp đành ngậm ngùi trở thành nhà Á quân thế giới và thất bại trong việc bảo vệ ngôi vương giành được ở năm 2018 của mình.

Trong khi đó, Croatia là đội tuyển xếp hạng 3 và Morocco với chiến tích ấn tượng là đội xếp hạng 4 tại giải đấu năm nay.

Những nhân tố nổi bật tại World Cup 2022

World Cup luôn là sân chơi đủ tầm đề nhiều cầu thủ bước ra ánh sáng và bứt tầm trở thành những ngôi sao trong tương lai. Một số cái tên đã nhanh chóng trở thành món hàng hot của các ông lớn hàng đầu châu Âu và sẵn sàng chi đậm để có thể chiêu mộ. Đặc biệt trong số này là một vài cái tên đang được chèo kéo và có thể là bom tấn trong mùa đông hoặc mùa hè 2023.

Đầu tiên là Gvardiol của Croatia, trung vệ đã chơi tuyệt hay và góp công lớn giúp đội tuyển nước này về đích ở vị trí thứ 3 chung cuộc.

Gvardiol đã có một kỳ World Cup trên cả thành công

Tiếp đó là Jude Bellingham của tuyển Anh, một giải đấu mà tiền vệ đang khoác áo Dortmund cho thấy anh đủ tầm trở thành một cầu thủ đẳng cấp trong tương lai.

Cái tên thứ 3 cần phải nhắc đó là Enzo Fernandez, ông chủ tuyến giữa của Argentina tại World Cup 2022. Không phải ngẫu nhiên mà những Chelsea hay Man City sẵn sàng chi ra bộn tiền để thuyết phục cầu thủ này về thi đấu.

Nhân vật thứ 4 không thể không nhắc đó chính là Cody Gakpo, tiền đạo của ĐT Hà Lan và cũng đồng thời là mục tiêu theo đuổi số 1 của Man United trong kỳ chuyển nhượng mùa đông tới đây.

Một cái tên khác không thể không để mắt là Jamal Musiala của tuyển Đức. Dù rằng những cỗ xe tăng bị loại ngay từ vòng bảng, thế nhưng những gì mà cầu thủ 19 tuổi thể hiện là vô cùng ấn tượng.

Cái tên gây thất vọng nhất

Đức có lẽ là đội bóng gây thất vọng lớn nhất tại World Cup 2022 khi tiếp tục bị loại khỏi vòng bảng, trong một bảng đấu mà chỉ cần họ chơi đúng với thực lực là có thể giành vé đi tiếp. Ngoài ra, việc tuyển Đức có một vài động thái dính dáng tới chính trị, từ đó không tập trung 100% cho bóng đá cũng khiến họ nhận về vô số chỉ trích ở giải đấu năm nay.

Ngựa ô của giải đấu

Về hạng mục này thì Morocco xứng đáng là cái tên được vinh danh. Đội tuyển tới từ châu Phi đã có một hành trình phải nói là vô cùng đáng nhớ ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. ở đó, họ vượt qua vòng bảng với vị trí dẫn đầu, lần lượt đánh bại những ông lớn khó chịu như Tây Ban Nha hay Brazil để góp mặt tại vòng bảng kết. Dù rằng để thua trước người Pháp, thế nhưng chừng ấy là đủ để đội tuyển này đi vào lịch sử.

Morocco đã tự mình viết nên lịch sử tại sân chơi World Cup

Hơn nữa, những hoạt động đi bão mừng công, kiểu cách ăn mừng hay chiến thuật “không cần thắng để thắng” cũng gây được rất nhiều thiện cảm với NHM.

Châu Á – Khu vực xứng đáng ngợi khen

Tại World Cup 2022, bóng đá châu Á đã cho thấy những sự tiến bộ vượt bậc khi bứt mình khỏi vị trí của những kẻ lót đường. Họ lần lượt tạo ra những cơn địa chấn đủ gây được tiếng vang. Đơn cử như việc Nhật Bản đánh bại tuyển Đức, Saudi Arabia đánh bại Argentina – đội sau đó lên ngôi vô địch ngay ngày ra quân hay Hàn Quốc thắng trước Bồ Đào Nha.

Lần đầu tiên trong lịch sử, 3 đại diện thuộc thuộc Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) góp mặt ở nhóm 16 đội mạnh nhất – một kỳ tích thật sự. Dẫu rằng không có thêm một cơn địa chấn nào khác ở sau vòng 1/8 khi các đội tuyển này đều bị loại. thế nhưng ít nhất, điều đó cũng cho thấy bóng đá châu Á đang có những sự vươn mình đáng kể và đáng để trông chờ ở tương lai.

World Cup 2022 là màn tỏa sáng của các lão tướng

Sẽ là không quá khi nói rằng tại World Cup 2022, chính những lão tướng mới là các nhân vật tạo nên nhiều những điểm nhấn. Dạo qua một lượt có thể thấy, Luka Modric vẫn đang gồng gánh tuyển Croatia ở tuổi 37. Olivier Giroud ở tuổi 36 vẫn ghi bàn đều đặn và phá luôn kỷ lục của huyền thoại Thierry Henry cho cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử tuyển Pháp.

Luka Modric là huyền thoại bất tử của bóng đá Croatia

Đặc biệt, Lionel Messi ở tuổi 35 đã có một kỳ World Cup bùng nổ hơn bao giờ hết khi đánh chiếm luôn danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu. Rõ ràng tuổi tác chưa bao giờ là giới hạn với những ngôi sao này.

Những sự nuối tiếc

Luka Modric 37 tuổi, Cristiano Ronaldo 37 tuổi hay Eden Hazard 31 tuổi sau cùng đã đi đến đoạn cuối sự nghiệp quốc tế và chức vô địch World Cup vẫn cứ là mảnh ghép còn thiếu đối với những cầu thủ này.

Với Modric, hai kỳ World Cup gần nhất anh giành một danh hiệu Á quân và một giải ba. Trong khi đó, Ronaldo đã khép lại kỷ nguyên của mình tại đội tuyển Bồ Đào Nha mà chưa một lần cùng đội nhà vào chung kết World Cup. Với Hazard, ở tuổi 31, cầu thủ này đã tuyên bố chia tay đội tuyển Bỉ sau thất bại tại Qatar.

Kỷ lục gia và GOAT được xác nhận: Lionel Messi

Lionel Messi đã cho thấy việc anh được trao hoàng bào từ quốc vương Qatar là một sự khẳng định xứng đáng cho tài năng siêu phàm của cầu thủ này.

Lionel Messi là cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá thế giới

4 chức vô địch Champions League dưới màu áo Barcelona, 7 danh hiệu Quả bóng Vàng, 1 chức vô địch Copa America nhưng chưa một lần lên đỉnh thế giới. Anh mới chỉ có được danh hiệu Á quân tại World Cup 2014. Tuy nhiên, với chức vô địch cùng đội tuyển Argentina đêm qua, Messi trở thành cầu thủ thứ 9 trong lịch sử bóng đá thế giới lập được cú ăn ba kỳ vĩ bên cạnh Beckenbauer, Zidane, Ronaldinho, Bobby Charlton, Gerd Muller, Paolo Rossi, Rivaldo và Kaka khi thu thập đủ các danh hiệu vô địch World Cup, Champions League và Quả bóng Vàng.

Giá trị khổng lồ về mặt “thương hiệu” Qatar

Không thể phủ nhận được rằng, World Cup là một món lợi khổng lồ, hay đúng hơn là một máy xay tiền đúng nghĩa. Các quốc gia đăng cai giải đấu này đều đã chi ra số tiền lên tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỉ USD cho việc phát triển cơ sở hạ tầng và các hạng mục liên quan phục vụ giải đấu. Thế nhưng trong 5 kỳ World Cup gần nhất, chỉ có Nga là thu lời được một phần nhỏ, còn lại thì đều là lỗ.

Qatar đã phải chi ra số tiền lên tới hơn 200 tỷ USD để chuẩn bị mọi thứ cho World Cup 2022 và lần đầu tiên người ta được chứng kiến một kỳ World Cup tổ chức vào mùa đông, tại nơi sa mạc nắng gió khốc liệt nhật vùng Vịnh.

Đất nước Qatar đã thu về giá trị rất lớn về mặt thương hiệu khi hình ảnh của một đất nước vùng Vịnh vươn lên từ cát trắng sa mạc để trở thành "tâm điểm" của thế giới

Theo tạp chí kinh tế thể thao Sportico, nước chủ nhà đón khoảng 1,3 triệu lượt du khách trong 1 tháng diễn ra sự kiện và thu về 1,56 tỷ USD từ tiền khách sạn, nhà hàng, đi lại... Trong khi đó theo CNBC, Qatar chỉ thu về khoảng 4,7 tỷ USD từ World Cup 2022 và chừng ấy đơn giản là không thấm tháp gì so với những con số khổng lồ mà nước này đã chi ra trước đó.

Thế nhưng nên nhớ là “Qatar không có gì ngoài tiền” và việc họ sẵn sàng chi không tiếc tay cho ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới đã thu hái những kết quả ngoài sức mong đợi.

Người hâm mộ trên toàn thế giới biết Qatar nhiều hơn, có dịp tận mắt chiêm ngưỡng nền văn hóa Ả rập, Hồi giáo và vùng Vịnh bằng chính sự cảm nhận của mình. Thế rồi việc họ trao “hoàng bào” cho Lionel Messi trong ngày đăng quang cũng vô tình gắn cái tên Messi vs Qatar mãi mãi. Người ta nói rằng Qatar đang xây dựng và phát triển hình ảnh của họ ra toàn thế giới và việc tổ chức một kỳ World Cup thành công ngoài mong đợi bất chấp lỗ nặng chẳng phải vấn đề gì to tát.

Ấy là còn chưa kể, câu chuyện Qatar và bài học Qatar về cách thức vận hành và điều phối các công trình phục vụ World Cup để không bị lãng phí cũng sẽ còn được nhắc tới rất lâu nữa. Nhiều sân vận động sau World Cup 2022 được tái cấu trúc và biến thành tổ hợp đa chức năng từ phục vụ giáo dục, bệnh viện, siêu thị, khách sạn, công viên cây xanh... hữu ích lâu dài cho cộng đồng. Thế rồi hơn 170.000 ghế ngồi từ các sân vận động tổ chức World Cup cũng sẽ được tháo dỡ để tặng cho các dự án thể thao hay cho lại các quốc gia kém phát triển cũng là một hành động đáng khen ngợi.

Truyền thông quốc tế nói rằng Qatar lỗ nặng vì World Cup 2022, thế nhưng có lẽ những gì mà họ nhận được thậm chí còn nhiều hơn thế. Giá trị kinh tế thu về sau giải đấu có thể là không đáng đong đếm, thế nhưng những giá trị về mặt “thương hiệu Qatar” sẽ còn xuất hiện cho tới khi nào World Cup ngừng tổ chức mới thôi.

Gia Tuệ

Tin cùng chuyên mục

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Man City và Everton, 19h30 ngày 26/12, vòng 18 Ngoại hạng Anh

Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh vòng 18: Man City đấu với Everton, MU gặp Wolves

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Singapore và Việt Nam, 20h00 ngày 26/12, bán kết AFF Cup 2024

Soi sức mạnh đối thủ của đội tuyển Việt Nam tại bán kết AFF Cup 2024

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 23/12, rạng sáng 24/12: Inter Milan đấu với Calcio Como tại Serie A 2024/2025

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 22/12, rạng sáng 23/12: Rực lửa đại chiến Tottenham và Liverpool tại Ngoại hạng Anh

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Everton và Chelsea, 21h00 ngày 22/12, Ngoại hạng Anh

Kết quả trận Việt Nam và Myanmar tại AFF Cup 2024: Hiệu ứng Xuân Son, chủ nhà đại thắng

Trực tiếp bóng đá Việt Nam và Myanmar (hết giờ): Show diễn của Xuân Son

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Việt Nam và Myanmar, 20h00 ngày 21/12, AFF Cup 2024

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 21/12, rạng sáng 22/12: Việt Nam đấu với Myanmar tại AFF Cup 2024

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Thái Lan và Campuchia, 20h00 ngày 20/12, bảng A AFF Cup 2024

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 20/12, rạng sáng 21/12: Thái Lan đấu với Campuchia tại AFF Cup 2024

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Chelsea và Shamrock Rovers, 3h00 ngày 20/12, UEFA Conference League 2024/2025

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 19/12, rạng sáng 20/12: Tâm điểm Tottenham đấu với MU tại Carabao Cup

Video Doãn Ngọc Tân hóa người hùng, Việt Nam thoát thua Philippines ở phút 97

Trực tiếp Philippines và Việt Nam, bảng B AFF Cup 2024: Ngọc Tân gỡ hòa, Việt Nam vào bán kết

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Myanmar và Lào, 17h30 ngày 18/12, bảng B AFF Cup 2024

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Philippines và Việt Nam, 20h00 ngày 18/12, bảng B AFF Cup 2024

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 18/12, rạng sáng 19/12: Philippines đấu với Việt Nam tại AFF Cup 2024