‘Vua bóng đá’ Pele qua đời ở tuổi 82 |
Vua bóng đá Pele giã từ dương thế ở tuổi 82 sau thời gian chống chọi với bệnh tật, để lại một di sản với vô số thành tích, vô số huyền thoại mà bất cứ một cầu thủ nào, một nền bóng đá nào đều muốn sở hữu.
Với sự nở rộ của internet, những thế hệ không có dịp được “hóng” những đường đi bóng huyền thoại của ông vẫn có thể sống cùng ông qua vô số các clip ở những giây phút thăng hoa nhất ở FIFA World Cup năm 1958 khi Pele lần đầu vô địch thế giới hay ở FIFA World Cup năm 1970, giải sau đó Pele rời khỏi đội tuyển Brasil với chiếc áo số 10 huyền thoại.
Nhưng trong sự nghiệp túc cầu của vua Pele, không phải không có những giây phút đắng, nếm trải thất bại ở FIFA World Cup năm 1966 tổ chức tại Anh khi đội tuyển Brasil bị loại.
Không những vậy tại kỳ World Cup năm đó, Pele còn bị chấn thương và sau đó đã thề không bao giờ chơi bóng ở World Cup nữa. Nhưng 3 năm sau, vua bóng đá thay đổi ý kiến để 1 năm sau có một World Cup để đời khi vô địch thế giới lần thứ ba cùng đội tuyển.
Câu hỏi ở đây, khi vua bóng đá Pele vừa từ giã cõi đời để đi gặp các đồng đội một thời như Garrincha hay các danh thủ khác như Maradona, Cruyff là hình ảnh vua bóng đá Pele ở Việt Nam ra sao?
Do hạn chế về thông tin mang tính thời đại nên nhiều người Việt Nam ít có điều kiện cập nhật đầy đủ những thông tin về Pele thời đỉnh cao. Thế hệ chúng tôi thời học cấp 1 hay nghêu ngao một bài hát mang lời Việt mà có lẽ nhái nhạc nước ngoài trong đó có những câu tôi còn nhớ loáng thoáng: “Một chàng trai tóc thì đen mắt thì nâu/Người thì cao trông cái dáng thật tuyệt vời/…/Nhảy người lên vô lê trái vào góc chết”.
Thực ra thời bây giờ, Pele với chiều cao 1m73 chỉ là bình thường song ở vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước so với chiều cao người Việt thì đúng là Pele cao thật. Còn câu hát “nhảy người lên vô lê trái vào góc chết” thì đúng là hình tượng hoá phong cách thi đấu bùng nổ và cái cách ghi bàn thắng hết sức ngoạn mục của ông.
Pele đã một lần suýt đến Việt Nam năm 2011 để dự một lễ hội cà phê nơi ông dự kiến sẽ được phong đại sứ cà phê. Thông tin này khi đó được đưa ra khiến nhiều nhiều mừng khấp khởi khi có cơ hội được ngắm vua bóng đá bằng xương bằng thịt. Nhưng rồi cuối cùng thì Pele cũng không đến được Việt Nam. Lý do được đưa ra là sức khoẻ không cho phép ông làm điều đó.
Khi còn sống, Pele nhận được vô số lời mời làm huấn luyện viên của cả các câu lạc bộ lẫn đội tuyển quốc gia, trong đó có cả lời mời đến từ… Việt Nam. Nhưng vua bóng đá đã thẳng thừng từ chối tất cả những lời mời đó với những lý do ngoài bóng đá.
Pele và đồng đội ăn mừng bàn thắng vào lưới đội tuyển Italia trong trận chung kết FIFA World Cup 1970 ở Mexico |
Trong quá khứ, có 2 cầu thủ Việt Nam có cơ hội gặp mặt “Vua bóng đá” Pele. Năm 1974, đội tuyển của miền Nam Việt Nam đã đoạt cúp Quân đội Thái Lan. Hai danh thủ thuộc đội là Nguyễn Quốc Bảo và Quang Đức Vĩnh có vinh dự gặp gỡ cầu thủ xuất sắc nhất thế giới thời bấy giờ – Pele.
Trong buổi gặp gỡ này, huyền thoại người Brasil tỏ ra cực kỳ thân thiện, dễ mến, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với đội tuyển Việt Nam và đã chụp ảnh chung với Quốc Bảo, Đức Vĩnh. Trong ảnh, Pele khi đó còn rất trẻ trung, đã thoải mái ôm eo bộ đôi cầu thủ tới từ dải đất Việt Nam.
Có một giai thoại cho rằng, có một thủ môn người Việt từng bắt dính… 3 quả phạt 11m của vua bóng đá Pele, đó chính là Phạm Văn Rạng, huyền thoại của bóng đá Việt Nam, vẫn được biết đến với biệt danh “Lưỡng thủ vạn năng”.
Mặc dù hai đất nước xa nhau nửa vòng trái đất song Việt Nam không phải là đất nước hoàn toàn xa lạ với Pele và ông từng có dịp “mách nước” để bóng đá Việt Nam thăng tiến và chinh phục những đỉnh cao của bóng đá thế giới. Còn phía Việt Nam tiếp nhận những lời khuyên này đến đâu thì lại là câu chuyện khác.
Những gì mà Pele thể hiện trong màu áo đội tuyển Brasil qua 4 kỳ FIFA World Cup từ 1958 đến 1970 tạo những cảm hứng bền lâu đến nỗi cứ mỗi kỳ World Cup diễn ra, hình ảnh của Pele vẫn luôn giữ vị trí nổi bật, luôn được đón nhận trong lòng người hâm mộ Việt Nam và các nước cho dẫu nó diễn ra đã lâu.
Con đường của Pele đến với bóng đá cũng chính là con đường mà nhiều danh thủ Brasil đã đi qua, đó là sinh ra ở những khu phố nghèo, đến với bóng đá như một phương cách thay đổi, cải hoán số phận nếu như có tài năng. Khác với nhiều danh thủ Brasil khác lui vào hậu trường sau giải nghệ, Pele có khá nhiều hoạt động chính trị, xã hội cùng những ồn ào về tham nhũng, tình ái.
Nhưng tất cả những thứ đó giờ đã là quá khứ.
Pele sinh thời từng nói rằng: "Thành công không xảy đến ngẫu nhiên. Đó là sự chăm chỉ, kiên trì, học hỏi, nghiên cứu, hy sinh và hơn hết là yêu thích những gì bạn đang làm hoặc đang học”.
Nếu lấy một câu để lại cho hậu thế thì thiết tưởng không có câu nói nào đáng giá hơn.