Thu hút vốn FDI: Thận trọng, tránh rủi ro
Kết quả tích cực
Ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT) cho biết, hiện nay, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư như chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, lao động vẫn tương đối rẻ, thị trường nội địa tiềm năng với thu nhập tăng nhanh, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực nên gia tăng cơ hội xuất khẩu, thu hút đầu tư.
Thực tế, thu hút FDI trong 8 tháng đầu năm đã đạt được kết quả tích cực, vốn FDI đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 1,8 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc với hơn 1,7 tỷ USD (18,9%); Nhật Bản với hơn 1,1 tỷ USD (13%)...
Cần lựa chọn dự án FDI chất lượng |
Một hiện tượng đáng chú ý gần đây là dòng vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam làm dấy lên lo ngại về việc các DN Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam nhằm né tránh sự trừng phạt tăng thuế của Mỹ đối với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên ông Đỗ Văn Sử - Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) - cho rằng, hiện tượng này chưa thể kết luận chính thức bởi chiến tranh thương mại sẽ dẫn tới sự chuyển dịch đầu tư là có thật. Khi Mỹ áp thuế cao đối với một số mặt hàng của Trung Quốc thì các nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Nâng chất dòng vốn
"Trong bối cảnh này, Chính phủ, các bộ, ngành, DN phải nhìn nhận ra các cơ hội cũng như có giải pháp để tránh việc đầu tư lẩn tránh, lợi dụng xuất xứ nguồn gốc tại Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về dự phòng rủi ro DN đầu tư trong nước, cũng như xây dựng cơ chế cảnh báo sớm, thực hiện hiệu quả phòng vệ thương mại" - ông Đỗ Văn Sử nhìn nhận.
Bà Virginia Foote - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam - cho hay, Việt Nam cần năng động hơn trong ngắn hạn và dài hạn để theo đuổi, chuẩn bị tốt hơn các điều kiện tiếp nhận làn sóng đầu tư chất lượng cao; đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, thực hiện chuyển giao công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, nghiên cứu tận dụng làn sóng dịch chuyển với cổ phần hóa, đầu tư theo hình thức mua bán - sáp nhập (M&A). Nghiên cứu tận dụng cơ hội cũng như các thách thức để cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam hiện nay...
Mới đây, Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 50) vừa được ban hành. Nghị định này được cho là sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong thu hút vốn FDI của Việt Nam, định hướng xây dựng Việt Nam thành môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn, chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh cao với các nước trong khu vực.
Nghị quyết số 50/NQ-TW nhấn mạnh vào chất lượng của các dự án FDI, trong đó cân bằng các yếu tố phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, hàm lượng chất xám cao, sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động có tay nghề, phù hợp thông lệ quốc tế. |