Đổi mới sáng tạo trong ngành y dược: Phấn đấu đến năm 2045 đóng góp trên 20 tỷ USD cho GDP 3 yếu tố quan trọng để ngành y dược Việt Nam hút vốn ngoại |
FDI vào lĩnh vực y dược khá khiêm tốn, nhỏ bé
Chia sẻ tại Hội thảo Đổi mới sáng tạo: Liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược diễn ra mới đây, ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính lũy kế đến ngày 31/8/2024 theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã thu hút được 41.142 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 491,39 tỷ USD.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện ngành y dược mới thu hút được 160 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 1,8 tỷ USD (Ảnh: DT) |
Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Chung, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực y dược còn rất khiêm tốn. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện ngành y dược mới thu hút được 160 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 1,8 tỷ USD đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và tập trung tại 13 tỉnh, thành trên cả nước.
Điều đó có nghĩa, các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực y dược chỉ chiếm 0,388% về số dự án FDI đã đầu tư vào Việt Nam và chiếm 0,366% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.
“Như vậy, so với những thành công của Việt Nam trong hơn 30 năm thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, FDI vào lĩnh vực y dược tại Việt Nam còn khá khiêm tốn và nhỏ bé” – ông Vũ Văn Chung thông tin.
Thông tin từ đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, các quốc gia đầu tư vào lĩnh vực y dược của Việt Nam tập trung chủ yếu là Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), trong khi vốn từ các trung tâm y tế, dịch vụ y tế hàng đầu châu Âu còn khiêm tốn. Vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực y dược tại Việt Nam cũng chủ yếu phân bổ tại 13 tỉnh, thành phố, tuy nhiên chỉ tập trung chủ yếu ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân cao như: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Theo ông Darrell Oh - Chủ tịch Pharma Group cho rằng: Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút FDI vào lĩnh vực y dược nhờ vào các yếu tố như: Thị trường nội địa lớn và đang phát triển; sự ổn định về chính trị và hệ thống xã hội, kinh tế; tham gia tích cực hội nhập với 16 hiệp định thương mại tự do với các khu vực kinh tế lớn.
Đó là lý do, Pharma Group hiện có 21 thành viên là các các tập đoàn đa quốc gia thuộc châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản, các tập đoàn này đã và đang hoạt động tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua và dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Ngành y dược Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư (Ảnh: ST) |
Việt Nam chú trọng thu hút FDI vào lĩnh vực y dược
Có nhiều tiềm năng, song thực tế đang cho thấy, dòng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực y dược tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn và dưới tiềm năng của Việt Nam. Nói như đại diện Pharma Group, mặc dù ngành dược phẩm Việt Nam vẫn đang phát triển, đặc biệt trong những năm gần đây, song Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn tận dụng được hết năng lực và khả năng cạnh tranh trong khu vực.
“Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ của các nước trong khu vực với các chính sách ưu đãi đặc thù, nhằm thu hút các nhà đầu tư cũng như không ngừng cải thiện các quy định, Việt Nam cần nhanh chóng gia tăng các nỗ lực trong công cuộc thu hút FDI và đổi mới, sáng tạo” - ông Darrell Oh - Chủ tịch Pharma Group đề xuất ý kiến.
Theo Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam rất chú trọng thu hút FDI, trong đó có dòng vốn FDI vào lĩnh vực dược phẩm. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân, nên việc cấp phép cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực này cũng chặt chẽ hơn, đây cũng là điều bình thường và dễ hiểu, bởi quốc gia vào cũng có những điều kiện, luật pháp liên quan về mảng y tế, dược phẩm.
Để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực y dược, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 376/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước giai đoạn 2030-2045 với quan điểm phát triển: Thu hút đầu tư nước ngoài để sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự.
Cùng với đó, ngày 09/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1165/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra các mục tiêu: “Phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO...”
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và để "đón đầu" nhiều cơ hội phát triển trong tương lai và sẵn sàng đón nhận, thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp dược hiện đại trên thế giới theo đúng định hướng và mục tiêu của ngành Dược, Bộ Y tế cũng đang rà soát, sửa đổi Luật Dược để trình Quốc hội xem xét với định hướng thu hút đầu tư phát triển các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên, thuốc công nghệ cao, vắc xin và sinh phẩm, thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương,... của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam, nhằm chủ động, phát triển bền vững sản xuất trong nước đồng thời thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu đến các thị trường tiên tiến.
Đặc biệt, để thúc đẩy thu hút FDI vào lĩnh vực y dược, với vai trò “cầu nối” thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, ông Vũ Văn Chung cho rằng, sẽ có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nói chung và đầu tư vào lĩnh vực y dược nói riêng.