Thu hồi tài sản cho thuê tài chính: Thiếu chế tài
- Ông Đàm Đức Long- Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam- cho biết, thời gian gần đây, mặc dù số dư nợ có tăng, nhưng số nợ quá hạn, nợ xấu ở một số công ty CTTC còn quá cao lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đây là dấu hiệu báo động cho hoạt động CTTC. Nguyên nhân là do vướng mắc về cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp luật trong công tác thu hồi tài sản CTTC.
Mặt khác, với quy định thời hạn tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thu hồi tài sản, bên thuê có nghĩa vụ giao tài sản và các giấy tờ liên quan đến tài sản cho thuê cho công ty CTTC như hiện nay là quá dài. Bên thuê có thừa thời gian để tẩu tán tài sản thuê. Thậm chí có trường hợp khi đoàn thu hồi tài sản cho thuê đến doanh nghiệp, họ đã dùng nhiều hình thức đe dọa để ngăn cản.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Anh Thu- Tổng giám đốc Công ty CTTC 1 - Ngân hàng nông nghiệp và PTNT Việt Nam-thừa nhận: “Các văn bản pháp lý liên quan trong lĩnh vực này chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ công ty CTTC trong quá trình thu hồi tài sản.
Khó khăn nữa là xử lý thu hồi tài sản là tàu biển, trong quá trình xử lý thu hồi tài sản loại này phải tốn nhiều khoản chi phí như các khoản nợ tồn đọng, đời sống, quyền lợi của thuyền viên, phí neo đậu bến bãi… mà những chi phí này các công ty CTTC đều phải ứng ra trước để phục vụ công tác này”.
Tại buổi tọa đàm về “Giải đáp pháp luật về thu hồi tài sản CTTC” tổ chức mới đây tại Hà Nội, các doanh nghiệp CTTC đều có chung nhận định, việc thu hồi tài sản cho thuê đối với các công ty CTTC là một vấn đề nan giải. Nhiều trường hợp doanh nghiệp cố tình phá hoại tài sản hoặc sử dụng sai mục đích, công ty CTTC nhận thấy những hành vi này có dấu hiệu phạm tội làm đơn tố cáo với cơ quan pháp luật, nhưng để giải quyết được vấn đề thì mất thời gian rất lâu, thậm chí vụ việc bị treo…
Theo ông Đàm Đức Long, đã đến lúc cần sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-NHNN-BCA-BTP trong đó cần quy định rõ việc cơ quan có thẩm quyền tại nơi có tài sản CTTC bị thu hồi phải có trách nhiệm trực tiếp hỗ trợ công ty CTTC thu hồi tài sản cho thuê và đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thu hồi tài sản.
Đề nghị khởi tố hành vi chiếm dụng tài sản CTTC trong trường hợp khi đến hạn trả nợ, bên thuê không trả nợ hoặc bên cho thuê có quyết định thu hồi tài sản nhưng bên thuê không giao tài sản, tất cả những trường hợp này phải coi như là hành vi cố tình chiếm đoạt tài sản và phải xem đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, trên cơ sở đó cơ quan thực thi pháp luật có thể nhanh chóng cưỡng chế, nếu cần có thể khởi tố vụ việc.
Theo quy định việc thu hồi tài sản cho thuê được tiến hành dưới sự chứng kiến của bên thuê hoặc người được bên thuê giao quyền quản lý tài sản cho thuê và đại diện của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương nơi có tài sản cho thuê, cụ thể là UBND, công an các cấp... Tuy nhiên các cơ quan này thường không nhiệt tình hỗ trợ, hay áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong quá trình thu hồi tài sản cho thuê vì ngại có thể sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp bị ngừng hoạt động, người lao động không có việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội của địa phương. Điều này được thể hiện rõ nhất đối với việc thu hồi tài sản CTTC trong lĩnh vực dệt may. |
Vũ Điển