Thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả, nhái từ “thiên đường mua sắm” Sài Gòn Square sau một ngày “đột kích”
Nằm trong lộ trình triển khai Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Kế hoạch 888) của Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 01/11, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Tổng cục, lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục bất ngờ tấn công vào thiên đường mua sắm, khu chợ cao cấp cho các tín đồ shopping Sài Thành “Sài Gòn Square”, tại địa chỉ số 77-89 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã chia thành 6 tổ công tác kiểm tra 6 điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại này.
Ngay từ sáng 01/11, hàng hóa đã bài trí kín các kiot sẵn sàng cho việc buôn bán như thường nhật. Bị đột xuất kiểm tra, các hộ kinh doanh tại đây chưa kịp “trở tay”.
Lực lượng Quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra 06 điểm kinh doanh các mặt hàng như túi ví, mắt kính, quần áo, phụ kiện trang sức mang các nhãn hiệu Gucci , Dior, Chanel, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Hermes… với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Đây là các hộ kinh doanh có tên tuổi trong Trung tâm thương mại Sài Gòn Square.
Gần 2.000 sản phẩm giả, nhái đã được lực lượng quản lý thị trường phát hiện và thu giữ |
Qua hơn 01 ngày kiểm đếm, phân loại sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành các thủ tục tạm giữ gần 2.000 sản phẩm để tiếp tục xử lý.
Theo Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Trung tâm thương mại Sài Gòn Square được ví như “thiên đường mua sắm” cho các tín đồ shopping Sài Thành với đa dạng các lĩnh vực và đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn và khách thập phương. Tồn tại hơn 2 thập kỷ (ra đời từ năm 2000), chính vì vậy các hộ kinh doanh ở đây có đủ các chiêu trò để đối phó với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, hạn chế việc kiểm tra. Đây cũng là nơi “làm giàu” của nhiều hộ kinh doanh bởi “siêu lợi nhuận” từ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng.
Xác định được điều đó là vô cùng khó khăn, tuy nhiên lực lượng Quản lý thị trường vẫn tiếp tục đưa Sài Gòn Square nằm trong diện phải kiểm tra kiểm soát theo lộ trình với mong muốn từng bước thay đổi nhận thức của các hộ buôn bán trong việc kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Điển hình, một số hộ kinh doanh bị lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý và tịch thu tiêu hủy hàng hóa trong năm 2020, 2021 đã có ý thức hơn trong việc nhập các nhãn hàng có nguồn gốc và chất lượng để kinh doanh buôn bán.