Thoát ''ngủ đông'', tín dụng tìm đường về đích
Sau khi “ngủ đông” trong quý 1, tín dụng đã nhúc nhắc tăng trưởng trong tháng 4, 5 và bứt phá mạnh trong tháng 6/2024, chạm tới mục tiêu Chính phủ đưa ra là phấn đấu tăng trưởng tín dụng 5 - 6% trong 6 tháng đầu năm.
Thông tin tới báo giới, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú - cho biết, toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đã được Ngân hàng Nhà nước giao hết cho các tổ chức tín dụng từ cuối tháng 12/2023 và thông báo công khai nguyên tắc xác định để các ngân hàng thương mại chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Đến ngày 28/6/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023; tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh; tín dụng thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Chi tiết hơn về cơ cấu tăng trưởng tín dụng, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho hay, tăng trưởng tín dụng trong nhóm ưu tiên đều khá cao, cụ thể: Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có tốc độ tăng 2,17%, lĩnh công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực ưu tiên tăng rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế như lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%... Riêng tín dụng bất động sản tính đến 31/5, tăng 4,61% so với cuối năm 2023 chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, kinh doanh bất động sản tăng 10,29%, tỷ trọng quy mô tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 39 - 40% tổng tín dụng bất động sản… Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…
9% là con số tăng trưởng tín dụng mà ngành ngân hàng phải thực hiện trong 6 tháng cuối năm để đạt được mục tiêu tăng 15% của năm nay |
Cũng trong 6 tháng đầu năm, nhiều chính sách đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành như: Việc kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại công khai lãi suất cho vay, hay chính sách cho phép vay của ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác, đã khiến các ngân hàng thương mại phải nỗ lực cạnh tranh hơn để thu hút người vay, nhất là trong nửa cuối năm tới đây, giai đoạn được xem là cao điểm cho nhu cầu sản xuất kinh doanh.
9% là con số tăng trưởng tín dụng mà ngành ngân hàng phải thực hiện trong 6 tháng cuối năm để đạt được mục tiêu tăng 15% của năm nay. Để đạt được mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, vẫn tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay…
Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin thêm, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro… “Ngành Ngân hàng sẽ duy trì các cuộc tiếp xúc ngân hàng - doanh nghiệp để trao đổi tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Đồng bộ nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, song lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận, để tăng trưởng tín dụng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Cầu đầu tư, cầu tiêu dùng, cầu tín dụng và những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các dự án rất cần các cơ quan ban ngành tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý, tạo điều kiện môi trường kinh doanh để cho các doanh nghiệp hoạt động. Và như vậy khi đó nhu cầu vốn tín dụng cũng sẽ tăng theo.
“Với đà tăng trưởng của tháng 6, cùng với những biện pháp và những chương trình hành động hiện nay, kỳ vọng từ nay đến cuối năm tín dụng sẽ tiếp tục có những mức tăng trưởng một cách tích cực và chúng tôi cũng sẽ cố gắng phấn đấu để đạt được chỉ tiêu 15% đã đặt ra từ đầu năm” - Phó Thống đốc cho hay.
Agribank đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn |
Từ thực tế các tổ chức tín dụng cũng có những chiến lược riêng, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank - cho biết, xác định năm 2024 là một năm hành động vượt khó, trong điều kiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, Agribank đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Cụ thể, ngân hàng triển khai 14 chương trình/sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới, trong đó có 9 chương trình đối với khách hàng cá nhân, 5 chương trình cho khách hàng doanh nghiệp; tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ lên 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng đã 4 lần giảm lãi suất cho vay với sàn lãi suất giảm từ 0,5 - 1%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.
Một số chương trình tín dụng ưu đãi được ngân hàng triển khai rất hiệu quả. Đơn cử chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, doanh số cho vay đạt 7.183 tỷ đồng với trên 5.000 lượt khách hàng được giải ngân. Đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng, Agribank cũng là ngân hàng giải ngân nhiều nhất. Cụ thể, ngân hàng đã phê duyệt 11 Dự án Nhà ở xã hội với tổng số tiền phê duyệt 3.023 tỷ đồng, doanh số giải ngân 689 tỷ, dư nợ cho vay 657 tỷ đồng; dự kiến sẽ giải ngân 5 dự án trong thời gian tới với tổng số tiền phê duyệt 1.558 tỷ đồng. Hiện nay đang tiếp cận 12 dự án nhà ở xã hội khác với tổng số tiền đề xuất cấp tín dụng hơn 5.200 tỷ đồng.
Còn tại VietinBank, Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho biết, ngân hàng đã triển khai rất mạnh mẽ các chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước trong tăng trưởng tín dụng. Đến 30/6/2024, tăng trưởng tín dụng của VietinBank đạt 6,7%, đến ngày 22/7 đạt 7%. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng quản trị rất chặt chẽ chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các gói tín dụng do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, Chủ tịch HĐQT HDBank ông Kim Byoungho chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, HDBank đã nhanh chóng triển khai quán triệt đến đơn vị kinh doanh toàn hệ thống, ra mắt nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay thấp chỉ từ 5 - 6%/năm, tinh gọn quy trình cấp tín dụng và phối hợp chặt chẽ với khách hàng để nắm bắt rõ nhu cầu và vướng mắc của từng đối tượng cụ thể và cho ra mắt sản phẩm và giải pháp phù hợp. Nhờ đó tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng của HDBank đạt hơn 382 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chỉ ở mức 1,2%.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm tổ chức ngày 24/7, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trong nửa cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Đồng thời, điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ; duy trì lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.