Chủ nhật 17/11/2024 09:12

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy: Từ Khe Sanh đến giải phóng Sài Gòn

Đầu tháng 4, nhờ sự giới thiệu của nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Quốc phòng – Vũ Văn Kiểu, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) về cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975. 
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy tự hào về bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ông được gặp Chủ tịch Cuba Fidel Castro năm 1972

Thần tốc Nam tiến

Trong căn phòng treo đầy kỷ vật, gồm những tấm ảnh Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy ở chiến trường Quảng Trị, bằng giọng nói rõ ràng, dứt khoát ông đã đưa chúng tôi ngược thời gian, về với không khí chiến đấu sôi sục, khí thế trong lửa đạn mùa Xuân năm 1975 …

Đánh giá về giá trị to lớn của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, tướng Huy cho hay, chúng ta phải bắt đầu từ bước ngoặt đưa chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới khi ta tiến hành tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Tại chiến trường Quảng Trị, thung lũng Khe Sanh trở thành tập đoàn cứ điểm mạnh địa đầu miền Nam. Gần 200 ngày đêm vây ráp cứ điểm quân sự hùng mạnh đầy quyết liệt, bằng sức mạnh, ý chí quân và dân ta đã giành chiến thắng vẻ vang ở Khe Sanh, tiến tới mở chiến dịch giải phóng Quảng Trị (1972).

Tháng 5/1974, Quân đoàn 2 được thành lập, hội tụ những sư đoàn thiện chiến, đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp giải phóng miền Nam. Trong Quân đoàn 2, lúc này tướng Huy đã được điều động từ Sư đoàn 304 về làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Sư đoàn 325.

Ngày 1/4/1975, Quân đoàn 2 mở chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Buôn Ma Thuột. Sư đoàn 325 lại nhận nhiệm vụ mới vào chiến đấu ở chiến trường Nam bộ. Với tinh thần “diệt địch mà đi, sửa đường mà tiến”, Sư đoàn 325 thần tốc tiến vào chiến trường miền Nam, giải phóng các tỉnh, thành dọc miền duyên hải, chuẩn bị bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn.

Ca khúc khải hoàn

Ngày 26/4, cuộc tiến công lớn vào Sài Gòn bắt đầu. Quân đoàn 2 nhận nhiệm vụ tấn công hướng Đông Nam. Sư đoàn 325 do tướng Huy chỉ huy đảm trách cánh trái, hướng trọng yếu của toàn bộ chiến dịch đánh chiếm Chi khu quân sự Long Thành, Nhơn Trạch, sân bay Tân Sơn Nhất nhằm cắt đứt đường hàng không, đường sông và khu Thành Tuy Hạ - kho vũ khí trọng yếu của địch; tiêu diệt căn cứ hải quân Cát Lái, khóa chặt đường thủy của quân địch, chuẩn bị cho quân Giải phóng vượt sông qua bến phà Thủ Thiêm, đánh vào nội đô Sài Gòn.

Sáng 30/4, lực lượng đột kích của Quân đoàn 2 vượt cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè theo hướng Hồng Thập Tử tiến vào Dinh Độc Lập. Đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ quân giải phóng cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Đây là thời khắc lịch sử, chiến công vĩ đại, tất yếu sau hơn 20 năm chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 được tiến hành trong thời gian rất ngắn, tính từ ngày 29/3 đến 30/4 chỉ sau 1 tháng, riêng giải phóng Sài Gòn chỉ mất 3 ngày; mặc dù chiến đấu quyết liệt ở ngoại ô, nhưng vào nội đô lại giữ nguyên vẹn được thành phố. Có được chiến thắng thần kỳ này, trước hết theo ông là nhờ sự lãnh đạo tài tình, linh hoạt của Đảng, Bộ Tư lệnh chiến dịch và sự gan dạ, mưu trí của các đơn vị chiến đấu trực tiếp.

Chiến thắng năm 1975 còn có sự đóng góp rất lớn của Đảng bộ, nhân dân địa phương, lực lượng nằm vùng tinh nhuệ. “Khi đánh chiếm căn cứ Cát Lái, quần chúng địa phương đã cung cấp hàng trăm xuồng, thuyền chở bộ đội vượt sông Đồng Nai. Vào thời khắc quyết định ấy, nếu không có dân hỗ trợ, rất khó tiến công. Lúc tiến vào nội đô, quân giải phóng phải lấy bản đồ hệ thống xăng dầu và nhờ lực lượng biệt động thành, nhân dân Sài Gòn dẫn đường đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, trong đó có Dinh Độc Lập”- tướng Huy nói.

Sau giải phóng Sài Gòn ông lại ra mặt trận nhận nhiệm vụ chỉ huy phụ trách giải phóng Nam Lào (1976), rồi tiếp tục sang Campuchia (1979) chiến đấu. Năm 1985 lúc này là Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, ông được điều lên tăng cường chỉ huy chiến đấu ở tuyến biên giới Vị Xuyên (Hà Giang).

60 năm hoạt động cách mạng và chiến đấu kiên cường, gắn bó với những thăng trầm của lịch sử đất nước, từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã cùng đồng đội vượt qua bao gian khổ, ác liệt của chiến tranh, làm nên khúc ca khải hoàn thống nhất đất nước.

Suốt cuộc trò chuyện, nhớ về chiến thắng mùa Xuân 1975 cách đây 43 năm, tướng Huy không ít lần lặng đi khi nhắc tới các đồng chí, đồng đội của mình, những người sát cánh chiến đấu cùng ông đã dâng hiến cả thanh xuân, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy: Với những thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh giành độc lập cho đất nước, mong rằng thế hệ trẻ giữ được truyền thống bất khuất của dân tộc, có kiến thức, khoa học để xây dựng đất nước vững mạnh.
Hoa Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và thăm chính thức Cộng hòa Dominica

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024'

Thủ tướng phân công 4 Phó Thủ tướng theo dõi, giải quyết kiến nghị của Quảng Trị

Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Ký, Bùi Văn Cường

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu

Quy định giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn bao lâu?

Đa dạng hoạt động nhân Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Thủ tướng dự Hội nghị thượng đỉnh G20, thăm chính thức Dominica: Củng cố, thúc đẩy hợp tác với các đối tác

Tăng mức phân bổ từ nguồn thu bảo hiểm y tế để chi cho khám chữa bệnh

Tổng Bí thư Tô Lâm: Hải Phòng phấn đấu phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và thăm chính thức Cộng hòa Dominica

Luật Đầu tư công (sửa đổi): Phân cấp mạnh mẽ trong quản lý đầu tư công

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ trong triển khai thực hiện Đề án 06

Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, xã hội số

Thủ tướng chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Lạng Sơn

Thông qua sáp nhập cấp huyện, xã tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cùng 10 tỉnh

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gỡ khó cho 2 dự án tỷ USD ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình dự Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số