Thị trường Trung Đông: Cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp xuất khẩu sau đại dịch
Cơ hội lớn cho DN xuất khẩu
Tại Hội thảo “Cơ hội vàng cho DN xuất khẩu Việt đến các quốc gia Trung Đông sau đại dịch Covid-19” ngày 17/3 nhằm hỗ trợ DN TP. Hồ Chí Minh phục hồi sản xuất, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, quan hệ thương mại của Việt Nam với khu vực Trung Đông chủ yếu tập trung vào các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) với 06 quốc gia thành viên là Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Arab Saudi, Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman có tổng dân số 65 triệu người (năm 2021). Các quốc gia GCC có nền kinh tế mở, phát triển ngoại thương, thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch, dịch vụ, đa dạng hóa nền kinh tế, thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Hội thảo “Cơ hội vàng cho DN xuất khẩu Việt đến các quốc gia Trung Đông sau đại dịch Covid-19” |
Cụ thể, các quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu rất lớn dao động từ 2 - 8 tỷ USD đối với các mặt hàng như đồ gỗ, sản phẩm nhựa, dệt may, giày dép, cao su và sản phẩm cao su...; Nhập khẩu khoảng 80% các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm. Đến năm 2035, tổng giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm của các nước vùng Trung Đông dự kiến sẽ tăng lên 70 tỷ USD/năm.
Ông Ngô Toàn Thắng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kuwait cho biết, hiện 6 nước GCC đều là thành viên WTO. Trong vài năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước GCC gia tăng nhanh chóng và có mức tăng đột biến từ năm 2012 đến nay. Nếu như năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước GCC mới đạt 2,7 tỷ USD, thì tới năm 2021 đã tăng gấp 4,6 lần, đạt 12,5 tỷ USD.
Cơ hội cho DN Việt Nam tại thị trường GCC càng rộng mở với nhiều thuận lợi hơn khi Việt Nam có quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị lâu dài, có khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ cho việc phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác với các nước GCC. Ngoài ra, khối GCC có sức mua lớn, khả năng thanh toán cao do có nguồn tài chính dồi dào. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của GCC khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Thuế nhập khẩu của khối GCC khá thấp chỉ từ 0- 5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối. Chính vì điều này mà Trung Đông trở thành một thị trường đầy tiềm năng của DN xuất khẩu Việt Nam.
Tuy nhiên, rào cản thương mại tại thị trường các nước GCC là việc yêu cầu giấy chứng nhận về tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, nhãn mác... do Tổ chức Tiêu chuẩn và Đo lường vùng Vịnh (GSMO) cấp, giấy chứng nhận Halal đối với các sản phẩm thực phẩm, thủy sản nhập khẩu.
Hiện nay DN Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Đông như thiếu thông tin, những rào cản về logistics và thanh toán quốc tế. Vì vậy, DN rất cần nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan tổ chức ngoại giao của Việt Nam tại khu vực, cũng như các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư – Ông Tuấn cho hay.
Chứng nhận Halal - Chìa khóa để DN thâm nhập thị trường
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng - Giám đốc Marketing - Văn phòng chứng nhận Halal - HCA Việt Nam cho biết thị trường Trung Đông là thị trường có văn hóa kinh doanh đặc biệt và yêu cầu các sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu phải có chứng nhận Halal.
Định nghĩa Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp" hoặc “được phép dùng”. Thuật ngữ này thường được dùng trong đời sống của người Hồi giáo để mô tả được phép ăn, uống hay sử dụng. Còn đối lập với Halal là Haram, nghĩa là “trái luật” hoặc “bị cấm”, không được sử dụng. Sản phẩm có chứng nhận Halal là sản phẩm mà người Hồi giáo được phép ăn uống hoặc sử dụng. Chứng nhận Halal cũng là chương trình đánh giá theo chuẩn mực quốc tế cho sản phẩm hay dịch vụ có trách nhiệm. Đây là quá trình xem xét đánh giá độc lập, khách quan để công nhận rằng những sản phẩmdịch vụ cụ thể được đánh giá đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn Halal.
Theo bà Hằng, lợi ích của chứng chỉ Halal là vô cùng lớn, giúp DN có thể đáp ứng được các yêu cầu khi xuất khẩu vào các quốc gia Hồi giáo, được người Hồi giáo tin tưởng mua, sử dụng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, giúp DN tăng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu và sản phẩm Halal toàn cầu.
Về điều kiện chung để sản phẩm được chứng nhận Halal, bà Hằng cho biết thêm DN cần đáp ứng được đồng thời hai điều kiện là nguyên liệu Halal và dây chuyền sản xuất Halal. Cụ thể, ngoài việc nguyên liệu, phụ gia, hóa chất… phải có chứng nhận Halal thì trên cùng một dây chuyền không được sản xuất lẫn lộn sản phẩm. Việc đạt các yêu cầu vệ sinh, quản lý chất lượng sản phẩm HACCP, ISO 22000… là lợi thế lớn cho DN xuất khẩu.
Ngoài ra, các DN trong quá trình đánh giá Halal, cơ quan đánh giá sẽ tiến hành truy xuất nguyên liệu và tất cả thành phần có trong quá trình sản xuất. Sau khi được cấp chứng nhận, DN cũng cần phải lưu ý khi cho ra đời sản phẩm mới hay thay đổi nguyên liệu… phải đảm bảo tính toàn vẹn Halal trong suốt quy trình sản xuất. DN cũng nên chọn những tổ chức chứng nhận Halal uy tín, được cấp phép và đảm bảo các tiêu chuẩn, được công nhận tại các thị trường xuất khẩu đặc biệt đáp ứng các yêu cầu riêng của từng thị trường quy định.