Thứ ba 19/11/2024 12:26

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: “Vàng thau lẫn lộn”

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có cơ hội phát triển rất lớn, nhưng cũng nhiều rủi ro và đang có hiện tượng “vàng thau lẫn lộn”.

Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại Tọa đàm trực tuyến “Phát triển Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư”, diễn ra sáng 16/8 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức.

Tiềm ẩn nhiều “rủi ro”

Những năm gần đây, thị trường chứng kiến sự phát triển đột phá của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khi tổng giá trị TPDN phát hành thành công trong 2 năm liên tiếp 2019 và 2020 đều vượt tổng giá trị trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành trên thị trường.

Cụ thể, năm 2018, TPDN phát hành thành công đạt 224.000 tỷ đồng, trong khi TPCP đạt 190.000 tỷ đồng. Năm 2019, TPDN phát hành thành công đạt 312.000 tỷ đồng, TPCP phát hành đạt gần 300.000 tỷ đồng. Năm 2020, tổng lượng TPDN phát hành lên tới 436.000 tỷ đồng, còn TPCP phát hành khoảng hơn 330.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, lượng TPDN phát hành thành công khoảng gần 200.000 tỷ đồng, trong khi TPCP phát hành đạt khoảng 140.000 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, Quyền Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect: việc phát triển thị trường TPDN giúp khơi thông được kênh dẫn vốn trung và dài hạn với chi phí lãi suất ổn định, từ đó doanh nghiệp có thể mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và huy động vốn.

Hết tháng 6/2021, tổng dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam tương đương khoảng 22,8% GDP, trong đó TPDN có quy mô khoảng 5,2% GDP (theo ADB). Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính cung cấp cho ADB, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam khoảng 44,6% GDP, trong đó TPDN đạt khoảng 13,9% (do bao gồm cả trái phiếu do doanh nghiệp không niêm yết phát hành).

Về cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, theo số liệu mà TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV chia sẻ: trong năm 2018, năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2021 thì các công ty chứng khoán đều là trái chủ chiếm tỷ trọng lớn nhất của TPDN, chiếm tỷ trọng lần lượt 39,4% (năm 2018), 44,1% (năm 2019) và 44,4% (6 tháng đầu năm 2021).

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng vào năm 2018 chiếm tỷ trọng tương đối cao trong cơ cấu nhà đầu tư là 35,8% thì đến năm 2019 chỉ còn chiếm 17,4% và 6 tháng đầu năm 2021 là 25%.

Tọa đàm trực tuyến “Phát triển Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư”

Đánh giá về vai trò của TPDN, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings nhận định, kênh trái phiếu đã sản sẻ gánh nặng lớn cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động lớn tới các doanh nghiệp. Tính riêng giá trị phát hành, số dư trái phiếu đang lưu hành so với dư nợ ngân hàng tương đương khoảng 12% nhưng nhưng tính trên phần dư nợ trung và dài hạn chiếm khoảng hơn 30%. “Nếu không có kênh trái phiếu, tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp đã ngã quỵ, hệ thống ngân hàng thêm gánh nặng” - ông Nguyễn Quang Thuân nói.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, cùng với sự “lớn nhanh” của thị trường TPDN là những rủi ro đáng báo động. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp phát hành hiện nay đang có thì tình trạng “vàng thau lẫn lộn”. TS. Cấn Văn Lực lấy dẫn chứng, dù đa số các trái phiếu này đều có tài sản đảm bảo đảm khi phát hành, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2021, chiếm 28-30% số lượng TPDN được phát hành là không có tài sản đảm bảo.

Ở góc nhìn của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng: Rủi ro của thị trường TPDN thể hiện qua việc dư luận gần đây rất bức xúc khi lãi suất trái phiếu lên cao. Rất nhiều trái phiếu được phát hành bởi các công ty bất động sản và không có tài sản đảm bảo. Vấn đề là làm sao các nhà đầu tư có thể kiểm soát được các nhà phát hành sử dụng vốn đúng mục đích? Các nhà đầu tư phần lớn là cá nhân. Họ ít có khả năng để có thể phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó nắm bắt được khả năng trả nợ của nhà phát hành. Chính vì thể rủi ro rất cao, đặc biệt là trái phiếu của các công ty bất động sản.

"Gần đây có một số trái phiếu phát hành được đảm bảo bằng cổ phiếu của các nhà phát hành. Rủi ro của việc này là khi nhà phát hành rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ, đồng nghĩa với việc tài chính của doanh nghiệp gặp rủi ro cao, giá cổ phiếu trên sàn sẽ giảm sâu hoặc không còn giá trị. Do đó, hãy cẩn thận với trường hợp các nhà phát hành dùng chính cổ phiếu của họ để bảo đảm cho trái phiếu phát hành..." - ông Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.

Đồng quan điểm TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cũng cho rằng, hiện nay có sự bất cân đối về thông tin giữa người bán và người mua. Người bán nắm nhiều thông tin hơn nhưng không công bố, minh bạch cho người mua biết. Từ đó dẫn đến sự sai lệch giữa giá cả và chất lượng, gây rủi ro cho các nhà đầu tư. “2 năm gần đây, thị trường TPDN phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự gia tăng số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia. Các nhà đầu tư này không nắm được nhiều thông tin và hiểu biết hạn chế, nên tạo ra nhiều rủi ro cho thị trường...” - ông Nguyễn Đức Độ nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Quang Thuân: Trong phương pháp luận cơ bản của xếp hạng tín nhiệm, cũng như để bảo vệ trái chủ và nhà đầu tư, thì tài sản thế chấp không có giá trị, ngoại trừ trường hợp đối với ngân hàng hoặc phát hành riêng lẻ. “Lưu ý đối với nhà đầu tư là chỉ nhìn vào lãi suất khi đầu tư thì sẽ rất nguy hiểm...” - ông Thuân cảnh báo.

Hoàn thiện khung pháp lý để công bằng, hiệu lực và hiệu quả

Để thị trường TPDN phát triển theo đúng mục đích và ý nghĩa, cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư nhiều giải pháp được các chuyên gia đề xuất để khắc phục những rủi ro của thị trường.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho rằng, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của tất cả các thành phần tham gia vào sự vận hành của thị trường. Dù ở góc độ nào, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đều phải đặt ra bài toán cân bằng giữa rủi ro và lợi ích. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm những hành vi cố tình không minh bạch để lừa đảo nhà đầu tư, phải có cơ chế và hệ thống để phát hiện được kịp thời và xử lý những hành vi đó.

Phát triển thị trường TPDN giúp khơi thông kênh dẫn vốn trung và dài hạn với chi phí lãi suất ổn định, từ đó doanh nghiệp có thể mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và huy động vốn.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Đức Độ cũng nêu lên: Chúng ta cần có các chế tài xử phạt nghiêm minh, có tính răn đe cao để tăng tính an toàn trên thị trường, tạo sự yên tâm cho người tham gia. Theo quy định hiện hành, phần lớn các chế tài xử phạt chỉ quy định mức xử phạt tối đa bằng tiền, chỉ có 2 hành vi vi phạm là giao dịch nội gián và thao túng thị trường chứng khoán là quy định xử phạt theo mức độ trục lợi và gây tổn hại với nền kinh tế.

“Tôi đề xuất nên chỉnh sửa, bổ sung chế tài để các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên thị trường TPDN cũng căn cứ theo mức độ trục lợi và gây thiệt hại, thì các chế tài mới có tính răn đe cao...” - TS. Nguyễn Đức Độ nói.

Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings, ông Nguyễn Quang Thuân lại cho rằng cần phải chuẩn hoá các nhà phát hành trái phiếu, để tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trên thị trường. “Quy mô trái phiếu doanh nghiệp đã lớn nhưng vẫn còn nhiều ẩn số, cần phải được giám sát chặt chẽ. Nếu nhìn nhận 3-5 năm nữa, rủi ro thị trường tài chính Việt Nam chính là khối nợ trái phiếu này” - ông Nguyễn Quang Thuân nhận định và cho biết, Fiin Ratings đã rà soát và nhận thấy, một số số doanh nghiệp phát hành lãi suất thấp hơn so với các công ty dự án. Công ty dự án họ có tài sản để thế chấp nhưng trong phương pháp luận cơ bản của xếp hạng tín nhiệm thì tài sản thế chấp không có giá trị nhiều, ngoại trừ với ngân hàng phát hành riêng lẻ. Phát hành riêng lẻ cho công ty quỹ, công ty bảo hiểm thì họ không thể làm gì với tài sản thế chấp chưa nói đến nhà đầu tư cá nhân.

Lưu ý với nhà đầu tư, ông Thuân chia sẻ, nếu là cổ đông một năm còn được họp một lần, được tiếp cận thông tin kênh đại chúng, còn trái chủ thì tiền bỏ ra 5 năm, 10 năm dài hơn thế nên nếu không có đầy đủ thông tin mà cứ nhìn lãi suất cao để đầu tư thì một ngày tin nhắn điện thoại sẽ không "ting ting" nữa mà không biết kêu ai.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần một tổ chức trung gian giám sát, đánh giá chất lượng để cung cấp cho nhà đầu tư những thông tin cần thiết, rủi ro có thể gặp phải để bảo vệ quyền lợi của mình.

Hoàng Lan
Bài viết cùng chủ đề: Trái phiếu doanh nghiệp

Tin cùng chuyên mục

Đại hội cổ đông bất thường, LPBank chốt 3 nội dung quan trọng

Nhà băng 'tung' ưu đãi, ‘trợ lực’ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu dịp cuối năm

Manulife được vinh danh vì những đóng góp tiêu biểu cho cộng đồng năm 2024

Cơ hội vàng cho doanh nghiệp SME: Mở tài khoản BIZ MBBank, rinh xe hơi Vinfast VF3 và iPhone 15 Pro Max

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: 25 năm hành trình vun đắp niềm tin

VietinBank có thu nhập hoạt động (TOI) cao nhất ngành Ngân hàng

BIDV và KIOTVIET hợp tác triển khai dịch vụ ngân hàng tích hợp

Quý 3/2024, tập đoàn Manulife toàn cầu tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

Tập đoàn FPT bắt tay Sun Life Việt Nam hợp tác chuyển đổi số nhằm nâng tầm trải nghiệm Khách hàng

Hội thảo góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn

Khác biệt làm nên sức hút của các dịch vụ ngân hàng số TPBank

Lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng tối đa chỉ 5,25%/năm

Trung bình mỗi ngày người dân mang 2.882 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng

Tín dụng tiêu dùng kỳ vọng tăng tốc dịp cuối năm

Cổ phiếu MZG của Công ty Cổ phần Miza chính thức lên sàn UPCoM HNX

Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam triển vọng tích cực giai đoạn cuối năm 2024

Manulife nâng cấp sản phẩm Sống Khỏe Mỗi Ngày, đáp ứng nhu cầu của khách hàng về bảo hiểm sức khỏe

Tín dụng chính sách: Yếu tố giúp Việt Nam thành hình mẫu của thế giới về giảm nghèo

Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam

Techcombank tiên phong triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID