Thị trường thời trang: "Cuộc đua" không cân sức
Quan điểm tiêu dùng thay đổi từ "mặc bền" sang "mặc đẹp" đã thúc đẩy thị trường thời trang trong nước hấp thụ nhiều sản phẩm nhập ngoại. Một số thương hiệu thời trang quốc tế cũng đã mở hệ thống phân phối và khai thác thị trường Việt Nam, như: Zara, H&M… và gần đây là Uniqlo.
Thương hiệu thời trang trong nước chưa hoàn toàn chiếm ưu được lòng tin của người tiêu dùng |
Những thương hiệu thời trang nước ngoài tại Việt Nam đều có tiềm lực tài chính hùng hậu, do đó có thể mở rộng hoặc giữ nguyên hệ thống phân phối trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Riêng với Uniqlo, việc có nhà máy sản xuất tại Việt Nam và hệ thống bán lẻ đã giúp thương hiệu này giành lợi thế trước các thương hiệu khác.
Dịch bệnh và sự lấn át của thương hiệu thời trang nước ngoài đang khiến cho thương hiệu thời trang trong nước co cụm ở phân khúc nhất định hoặc thu hẹp sự hiện diện. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà xuất khẩu chọn quay trở lại thị trường trong nước, gia tăng bán hàng qua các kênh phân phối nội địa để giảm tồn kho. Tuy nhiên, việc cạnh tranh với các thương hiệu ngoại là điều không dễ dàng. Ông Nguyễn Ân - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn - cho biết: Việc thâm nhập thị trường nội địa, triển khai hệ thống bán lẻ sản phẩm như Uniqlo hay Zara, gặp nhiều khó khăn, phải mất một thời gian dài.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - lo ngại: Việc giữ được thị phần trước sự đổ bộ của các nhà bán lẻ hàng may mặc hàng đầu thế giới như Uniqlo hay H&M là bài toán khó, ngay cả khi Việt Nam là quốc gia trong nhóm đầu các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới.
Dù doanh nghiệp dệt may nội địa nhiều năm qua đã không ngừng đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, đa dạng các dòng sản phẩm. Một số doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm, dịch vụ với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý, đồng thời phát triển hệ thống phân phối trên toàn quốc. Nhưng điểm yếu của sản phẩm dệt may trong nước là chưa đa dạng về phân khúc thị trường và giá. Cùng với đó, các chiêu thức tiếp cận khách hàng của các hãng thời trang nội cũng không có sự sáng tạo, hiệu quả.
Theo Chủ tịch VITAS, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết thời gian qua đã có hiệu lực, khiến thuế nhập khẩu giảm, thị trường bán lẻ được mở rộng cho doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh. Từ đó, nhiều thương hiệu thời trang ngoại đổ bộ vào cạnh tranh trực tiếp với thời trang nội địa. Trong khi đó, tăng trưởng hàng dệt may trên thị trường trong nước của các doanh nghiệp nội là thấp, doanh thu đuối dần.
Cũng theo đại diện VITAS, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 có thể kéo dài trong 1, 2 năm tới. Việt Nam mặc dù đã kiểm soát tương đối thành công dịch bệnh, nhưng sức mua của thị trường dệt may trong nước dự báo sẽ "giậm chân tại chỗ" trong năm 2021. Thậm chí, thị phần của các thương hiệu trong nước có thể sẽ tiếp tục thu hẹp lại.
Do đó, từ việc Uniqlo mở rộng ảnh hưởng tại Việt Nam cho thấy sự cạnh tranh giữa các thương hiệu thời trang nội-ngoại đang gay gắt hơn bao giờ hết. Các chủ doanh nghiệp thời trang cần phải xác định rõ, đây là thời điểm thích hợp nhất để triển khai những giải pháp nhằm thay đổi định hướng phát triển. Trước mắt, các doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung vào những dòng sản phẩm trung bình. Trong thời gian tới, kỳ vọng với tác động của các FTA thế hệ mới sẽ đem lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may.
Thị trường thời trang trong nước xác định "giậm chân tại chỗ" trong năm 2021 khiến cuộc cạnh tranh thị phần giữa các thương hiệu thời trang nội - ngoại ngày càng khó khăn. |