Thị trường ô tô phân khúc thấp “ế ẩm”, xe hạng sang giữ ổn định
Một số đại lý ô tô cho biết, bán được xe trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay không hề đơn giản bởi tổng cầu đang xuống rất thấp. Dịch bệnh khiến các dịch vụ taxi, xe công nghệ suy giảm nên lượng người mua xe hiện nay số ít là khách cá nhân.
Anh Nguyễn Thành Đạt, phụ trách đại lý Toyota Thái Hoà - Nam Từ Liêm cho biết, trong tháng 5-6 doanh số tại cửa hàng giảm 30-40% nằm ở phân khúc B, phân khúc C với các dòng xe như Innova, Vios. Đây chủ yếu là dòng xe kinh doanh vận tải, trong khi hàng loạt các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến hoạt động kinh doanh này kiệt quệ, do đó, doanh số sụt giảm rất nhiều. Đối với phân khúc này, hiện chủ yếu là khách hàng cá nhân mua, dùng cho gia đình.
Dịch bệnh khiến các dịch vụ taxi, xe công nghệ suy giảm nên lượng người mua xe hiện nay số ít là khách cá nhân. |
Ông Đỗ Nguyên Vương, Tổng Giám đốc Volkswagen Việt Nam, cũng thừa nhận doanh số bán xe trong tháng 5 giảm mạnh đến 50% so với kế hoạch. Nhiều hãng xe khác thông tin các điểm bán hàng cạnh tranh khốc liệt để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, khó khăn hiện hữu là áp lực hàng tồn, áp lực quay vòng, dòng tiền… khiến nhiều đại lý chấp nhận bán hòa, thậm chí lỗ, miễn sao giảm được hàng tồn kho.
Ngược lại với các dòng xe phân khúc thấp, tầm trung “vắng khách”, theo nhiều đại lý cho biết, hiện những dòng xe hạng D với mức giá từ trên 1 tỷ như dòng Crossover vẫn duy trì doanh số. Trong khi các dòng xe sang như Lexus, Mec Gls, hay Volvo lại “hiếm hàng”.
Không chỉ đối với các dòng xe mới, thị trường ô tô cũ ở Hà Nội cũng giao dịch trầm lắng. Các cửa hàng xe đều vắng khách, doanh số bán xe giảm đều từ đầu năm đến nay do dịch bệnh và áp lực cạnh tranh do xe mới giảm giá nhiều. Nhiều đại lý lỗ nặng, phải tạm thời đóng cửa, và chuyển hướng kinh doanh.
Theo anh Nguyễn Huy Thịnh - Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ An Phát Auto: Việc hàng loạt doanh nghiệp phân phối, nhà sản xuất xe hơi kết hợp với ngân hàng để ưu đãi lãi suất vay mua ô tô mới đã khiến hoạt động kinh doanh xe cũ, đặc biệt là dòng xe phân khúc thấp gần như “chết đứng”.
"Hiện tại Salon Cường Anh trực thuộc Công ty đang có các chương trình trả trước 100 triệu là có xe. Tuy nhiên, số lượng chốt đơn vẫn rất ít. Trước kia trong toàn hệ thống ngày bán được từ 5-7 chiếc thì nay chỉ được từ 1-2 chiếc” – anh Thịnh cho biết.
Theo một số chủ kinh doanh xe cũ, những mẫu xe trước đây luôn đứng top các xe cũ đắt giá trên thị trường như: Vios, Fortuner, Innova hay các mẫu xe máy dầu như Fortuner, Everest và SantaFe đều được chọn lựa để chạy dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay các mẫu xe này rất vắng khách.
Những mẫu xe cao cấp dòng Mercedes, Lux cũng đạt mức rất cao trong phân khúc xe sang cỡ E |
Trước tình hình đó, để duy trì kết quả kinh doanh trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, một số nhà phân phối, kinh doanh ô tô đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, chăm sóc khách hàng. Đơn cử như VinFast triển khai hình thức phục vụ tận nhà khách hàng trên toàn hệ thống, ưu tiên các khách hàng mua xe trả góp qua website của hãng và các chính sách hỗ trợ, chăm sóc khách hàng khác…
Nhiều dòng xe được giảm giá trực tiếp kết hợp tặng kèm phụ kiện hoặc các gói bảo hiểm, với tổng giá trị khá lớn - điển hình là Subaru trong tháng 6 với hơn 159 triệu đồng ưu đãi dành cho SUV Forester. Thương hiệu Nhật Bản này cũng là hãng xe đầu tiên ở Việt Nam có ưu đãi tặng 1 năm bảo hiểm vật chất (trị giá khoảng 15 triệu đồng) dành cho nhân viên y tế mua xe. Một số mẫu xe của Ford (Everest), Hyundai (Santa Fe)... cũng được giảm giá cả trăm triệu đồng.
Hàng loạt ưu đãi như vậy khiến nhiều ý kiến phân tích cho rằng, đây là thời điểm nhiều thuận lợi để mua xe – đặc biệt trong bối cảnh tháng Ngâu đang tới gần. Ngoài ra, theo đánh giá của các hãng xe, triển vọng của thị trường ô tô những tháng cuối năm phần lớn phụ thuộc vào biên độ dịch tễ, cũng như tác động của dịch. Đặc biệt, gần tết dương lịch, nhu cầu mua sắm ô tô sẽ tăng trưởng khả quan hơn.