Thị trường nội địa là đòn bẩy cho doanh nghiệp trong nước
Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi từ ngày 1/8 sẽ tạo áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp nội địa. Do đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực phấn đấu, liên kết chặt chẽ nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh hơn để giữ chân người tiêu dùng.
Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU |
Còn nhiều dư địa
Đại dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Không những thế, việc này còn làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại của thị trường nội địa.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước đang dần hồi phục. Ngoài ra, sau khi học sinh nghỉ hè nhu cầu du lịch tăng cao sẽ khiến hàng hóa dịch vụ sẽ tăng trở lại. Do đó, thị trường nội địa được nhận định là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Lý do khiến doanh thu bán lẻ tăng mạnh là bởi nguồn cung hàng hóa dồi dào, các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá. Hơn nữa, nhiều hoạt động đã và đang được doanh nghiệp triển khai, hàng loạt các hoạt động kết nối nông đặc sản đã được tổ chức tại chuỗi siêu thị nhằm kích cầu tiêu dùng.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường nội địa đang phát triển có thể bổ sung một phần hoặc thậm chí đối trọng với thị trường nước ngoài. Đến nay, đã có gần 1/6 dân số Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD mỗi ngày. Với tốc độ như vậy, mỗi năm sẽ có thêm 1 triệu người Việt Nam tham gia nhóm này.
Đáng lưu ý, tầng lớp trung lưu mới nổi này sẽ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ không chỉ nhiều hơn, mà còn chất lượng tốt hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực thông qua sử dụng các nguồn lực hiệu quả và đổi mới, sáng tạo hơn.
Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) chia sẻ: Thời gian qua, nhiều chương trình được liên kết, đưa các đặc sản vùng miền vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart - Haprofood - Intimex. Do đó, không ít doanh nghiệp thuộc các tỉnh đã tìm kiếm được các đơn hàng cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô qua các hệ thống phân phối lớn. Vì vậy, thị trường nội địa vẫn còn dư địa lớn để phát triển trong tương lai.
Còn theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được đưa vào phân phối tại hệ thống siêu thị GO/Big C. Qua đây, Big C sẽ tìm kiếm thêm được nhiều nhà cung cấp mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng hóa đặc sản vùng miền ngày càng tăng cao của người tiêu dùng.
Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối với Big C để đưa các sản phẩm nông sản địa phương vào bày bán tại hệ thống siêu thị của Big C lâu dài và ổn định.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khi doanh nghiệp hướng về thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam, giảm phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài. Không những thế, việc quay về “sân nhà” cũng tạo một thị trường ổn định để duy trì sản xuất, duy trì lao động và xây dựng nền tảng mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp Việt.
Nền tảng vững chắc
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại nhấn mạnh, trong khi dịch bệnh tại nhiều nơi trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp việc các doanh nghiệp khai thác tối đa thị trường nội địa sẽ tạo chỗ đứng vững chắc, xây dựng uy tín trên thị trường nội địa. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trước các đối thủ quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này cần cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, điều chỉnh mô hình kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi.
Giới phân tích cũng cho rằng, hầu hết các sản phẩm trong nước đều không thua kém sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến quảng bá thương hiệu và tạo lòng tin nhất định trong lòng người tiêu dùng. Vì thế, doanh nghiệp cần đảm bảo đạt chuẩn hàng hóa để giữ uy tín, cũng như cần chú trọng tới trách nhiệm xã hội.
Trong thời điểm khó khăn, ngoài việc xây dựng thương hiệu tốt, chất lượng hàng hóa hướng đến yếu tố “xanh” là sự ưu tiên hàng đầu giúp doanh nghiệp giữ được thị trường.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, năm 2020 sẽ định hình lại lối chơi của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam với những thay đổi quan trọng. Chẳng hạn như các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tinh gọn và tinh chỉnh mô hình tại thành phố lớn, mở rộng thị trường ra vùng nông thôn hiện vẫn còn khá mỏng và chưa được khai thác nhiều. Bà Đinh Thị Mỳ Loan cũng chỉ ra một số doanh nghiệp bán lẻ đã đi sâu tìm hiểu để cho ra các dịch vụ và sản phẩm có tính địa phương hóa, gồm sở thích, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, từ đó xây dựng danh mục hàng hóa cung ứng phù hợp. Bên cạnh đó, yếu tố trải nghiệm trong quá trình mua sắm của khách hàng cũng được các doanh nghiệp bán lẻ chú ý nhiều hơn nhằm giữ chân người tiêu dùng.
Để kích cầu tiêu dùng nội địa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, quảng bá hàng Việt; các sản phẩm thực phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thông qua các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, tới đây Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức các hoạt động kết nối trực tiếp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng; giữa các đơn vị sản xuất với nhau. Cùng với đó, xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại một số địa phương. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” sẽ tiếp tục được tổ chức để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tới người tiêu dùng. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.