Thị trường lao động Nghệ An “ấm” dần, người hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm
Nhu cầu tuyển dụng gia tăng
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng đến thị trường lao động đầu năm 2021. Nhưng do người lao động Nghệ An làm việc ngoại tỉnh phía Nam và các khu công nghiệp (KCN) phía Bắc thuộc các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh về ăn Tết không nhiều, vì thế số lao động nghỉ việc cũng rất ít nên người lao động ít xê dịch việc làm. Sau 10 ngày nghỉ Tết, ngày làm việc đầu tiên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh Nghệ An chỉ có 22 lao động đến làm thủ tục hưởng lao động thất nghiệp, trong số này chỉ có 9 lao động làm việc ngoại tỉnh và chủ yếu về từ các tỉnh phía Nam.
Năm nay, số lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp ít hơn các năm trước. |
Công ty Goertek Vina (Hồng Kong) là một doanh nghiệp (DN) chủ yếu sản xuất và bán các linh kiện, máy móc, tai nghe thông minh, nội thất thông minh và các sản phẩm khác. Hiện, công ty đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy tại Nghệ An có quy mô 40 hecta với vốn đầu tư là 100 triệu USD và đưa vào sử dụng trong năm 2021. Dự kiến trong giai đoạn đầu công ty sẽ sử dụng 30.000 lao động, trong đó có 25.000 lao động phổ thông và 5.000 lao động có trình độ. Ông Chen Wen Hua - Giám đốc nhân sự Goertek Vina chia sẻ, Goertek rất mong muốn trở thành DN bản địa hóa để phát triển nguồn nhân lực tại địa phương. Vì thế, thời gian tới, chúng tôi hy vọng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn giúp doanh nghiệp đào tạo nhân tài, gia nhập doanh nghiệp cùng Goertek sáng tạo, chia sẻ và phát triển.
Tương tự, Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision (Việt Nam) cũng đã xây dựng nhà máy với diện tích 40 hecta nằm trong KCN VSIP Nghệ An. Với lĩnh vực chính chuyên sản xuất các sản phẩm từ cao su, plastic; gia công cơ khí, xử lý, tráng phủ kim loại; sản xuất linh kiện điện tử; thiết bị truyền thông, thiết bị điện chiếu sáng… dự kiến sẽ cần 15.000 lao động và còn tiếp tục tăng hơn trong những năm tới. Chia sẻ về nhu cầu lao động, ông Wong Mannon Man – Giám đốc Công ty cho biết, đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Thời gian qua, công ty đã nhận được sự hợp tác từ chính quyền địa phương nói chung và KCN VSIP nói riêng và mong muốn thời gian tới sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các trường đại học, giúp đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của DN.
Anh Bùi Tuấn Ngọc – Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết, chỉ trong mấy ngày đầu năm đã có ít nhất 7 đơn hàng tuyển dụng với số lượng hàng nghìn lao động như Công ty Trường Hải Nghệ An, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An, Công ty TNHH may mặc Trọng Phúc, Công ty cổ phần Sữa TH. Điều đáng nói, nếu như trước đây các đơn hàng tuyển dụng lao động phổ thông là chủ yếu thì năm nay nhiều công ty đăng ký tuyển dụng lao động có tay nghề hoặc lao động có trình độ đã tốt nghiệp đại học các chuyên ngành như tự động hóa, điện, điện tử, cơ khí. Mức thu nhập cũng khá hấp dẫn với lương tối thiểu khoảng 4.800.000 đồng/tháng cộng với phụ cấp hoặc sản phẩm khác… anh Ngọc cũng cho biết.
Tại Nghệ An, dự kiến năm 2021 nhu cầu sử dụng lao động của các DN đang hoạt động tại Khu kinh tế Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An lên tới 11.044 lao động. Đến năm 2025, Nghệ An sẽ thu hút thêm 100 dự án đầu tư, trong đó có 30% dự án có vốn đầu tư nước ngoài, các KCN trên địa bàn Nghệ An sẽ cần hơn 130.500 lao động chất lượng cao và lao động phổ thông. Để đón đầu cơ hội này, vấn đề đặt ra hiện nay với Nghệ An đó là phải có nguồn nhân lực có kiến thức, có kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Chú trọng lao động có tay nghề
Với con số trên 1,9 triệu người đang trong độ tuổi lao động, số lượng lao động Nghệ An chiếm gần 29,5% lao động trong khu vực Bắc Trung Bộ và chiếm 3,7% tổng lao động của cả nước. Tỉnh này có tới 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 9 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp, 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp… mỗi năm quy mô đào tạo của tỉnh Nghệ An lên đến gần 90.000 người/năm với cơ cấu ngành đào tạo tương đối hợp lý và hình thức đào tạo đa dạng tạo thuận lợi cho người học.
Trong những ngày đầu năm, có rất nhiều đơn hàng tuyển dụng lao động trong và ngoài nước để người lao động lựa chọn. |
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì hiện nay so với tiềm năng thì tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Nghệ An vẫn còn thấp với khoảng 61%. Trong đó, lao động chất lượng cao còn thấp hơn. Một trong những nguyên nhân của tình trạng nay là do thời gian qua, xu hướng chung của học sinh Nghệ An là thích làm thầy hơn làm thợ và thường lựa chọn con đường vào đại học. Bên cạnh đó, học sinh chưa hào hứng học nghề bởi ít có cơ hội làm việc trong tỉnh và một số DN chưa chú trọng lao động có tay nghề để trả lương xứng đáng.
Nói về điều này, ông Hồ Văn Đàm – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng KTCN Việt Nam – Hàn Quốc cho biết: Trong những năm qua, trường đã thường xuyên hợp tác với các DN để cung ứng nguồn lao động có chuyên môn cao. Chúng tôi cũng đã căn cứ vào nhu cầu chiến lược phát triển của DN để nâng quy mô đào tạo. Ngoài ra, các DN cũng đã cùng tham gia với nhà trường để xây dựng chương trình đào tạo và cải tiến chương trình để đúng với thực tế. Để sát với thực tế, hàng năm chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên xuống với doanh nghiệp để dạy nghề hiệu quả…
Ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết: Cần tăng cường các hoạt động gắn kết giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà đầu tư (doanh nghiệp). Tuy nhiên để thực hiện hiệu quả thì mỗi “nhà” cũng phải xác định rõ nhiệm vụ, đó là phía nhà trường cần chú trọng việc nâng cao chất lượng giảng dạy phát huy các ý tưởng sáng tạo phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Phía các DN cần ưu tiên tìm kiếm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ các trường đại học, trường dạy nghề trên địa bàn. Về phía Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam hỗ trợ kết nối giữa DN – nhà trường để nhà trường chủ động nắm bắt các dự án đầu tư vào Khu kinh tế, các KCN và có hướng đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu thực tiễn khi dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thời điểm hiện tại, mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát khá tốt, tuy nhiên kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng chung từ các nước. Vì vậy, thị trường lao động vẫn bị tác động mạnh, từ đó cũng tạo ra những phân khúc, kỹ năng mới. Các chuyên gia cho rằng, những người mất việc làm khi tham gia thị trường lao động cần tiếp tục nâng cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt là thích ứng với những yêu cầu công việc mới trong mọi tình huống./m
Năm 2021, tại Nghệ An có 4 dự án với quy mô “triệu đô” đã và đang xúc tiến đầu tư. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng lao động cũng tăng cao trong những năm tới như dự án Luxshare với nhu cầu lao động khoảng 48.000 người, dự án Goertek khoảng 30.000 người, dự án Everwin khoảng 14.000 người và dự án của công ty Ju Teng khoảng 30.000 người. |