Thị trường hàng hóa ngày 5/10: Đà tăng nối dài trên nhóm năng lượng và kim loại
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), phiên giao dịch sáng nay sắc xanh hoàn toàn áp đảo trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Lực mua rất mạnh ở nhiều mặt hàng quan trọng đã giúp chỉ số MXV-Index bật tăng gần 3%, lên mức 2.519 điểm, cao nhất trong vòng hơn 1 tuần trở lại đây.
Tất cả các mặt hàng năng lượng và kim loại đồng loạt bứt phá rất mạnh. Trong đó, thị trường chứng kiến nhiều mặt hàng tăng vọt lên mức cao nhất nhiều tuần chỉ sau 2 phiên. Tuy nhiên, nhà đầu tư trong nước có tâm lý thận trọng đón sóng xu hướng giá mới khiến giá trị giao dịch toàn Sở có sự sụt giảm, đạt mức 3.600 tỷ đồng.
Các mặt hàng kim loại đồng loạt tăng mạnh, giá bạc lên mức cao nhất hơn 3 tháng
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, sắc xanh bao phủ toàn bộ các mặt hàng trong nhóm kim loại. Bạc tiếp tục đón nhận lực mua tích cực khi tăng 2,48% lên mức 21,09 USD/ounce và chỉ sau 2 phiên, giá bạc đã đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 6. Bạch kim đóng cửa tại mức giá 943,7 USD/ounce sau khi tăng 3,56%.
Các dữ liệu mới nhất tại Mỹ tiếp tục khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng môi trường lãi suất cao đang dần gây sức ép lên nền kinh tế quốc gia này. Khảo sát lao động và cơ hội việc làm (JOLTs) cho thấy số cơ hội việc làm đã giảm hơn 1,1 triệu người và đạt mức 10,053 triệu trong tháng 8, thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường ở mức 10,775 triệu người. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.
Thị trường lao động hạ nhiệt khiến nhiều nhà giao dịch cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nhẹ tay hơn trong tiến trình tăng lãi suất giai đoạn cuối năm nay, nhằm tránh gây ra rủi ro suy thoái. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Úc cũng đã gây bất ngờ khi chỉ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, thấp hơn kỳ vọng của thị trường.
Điều này củng cố cho niềm tin rằng các Ngân hàng Trung ương trên thế giới có thể chuyển sang giai đoạn thắt chặt tiền tệ ít tích cực hơn. Do đó, đồng đôla Mỹ tiếp tục suy yếu và đạt mức thấp nhất trong vòng 2 tuần qua. Đây là nguyên nhân chính đã hỗ trợ mạnh cho lực mua trên thị trường kim loại nói chung và bạc cùng bạch kim nói riêng khi đây là nhóm nhạy cảm nhất với lãi suất và biến động của đồng bạc xanh.
Trên thị trường kim loại cơ bản, đồng COMEX đóng cửa tại mức giá 3,49 USD/pound, tăng 2,35%, ghi nhận mức đóng cửa cao nhất trong 2 tuần. Bên cạnh đà giảm của đồng USD đã làm giảm áp lực chi phí nắm giữ vật chất, các dấu hiệu cho thấy nguồn cung thu hẹp cũng đã hỗ trợ cho giá trong phiên.
Cụ thể, dữ liệu của Chính phủ Chile vào hôm qua cho biết, sản lượng đồng trong tháng 8 tại quốc gia này đã giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức 415.500 tấn. Trong đó, sản lượng từ nhà khai thác lớn nhất thế giới Codelco giảm mạnh 29,6% xuống mức 101.800 tấn. Nguồn cung dần thu hẹp, trong khi nhu cầu đầy tiềm năng trong dài hạn do quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đã giúp giá đồng đón nhận lực mua tích cực trong phiên.
Dầu thô tăng mạnh lên vùng giá cao nhất 3 tuần
Giá dầu thô tăng mạnh phiên thứ 2 liên tiếp do ảnh hưởng từ các thông tin mới xoay quanh cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 3,46% lên 86,52 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 3,31% lên 91,8 USD/thùng.
Chỉ sau 2 phiên tăng mạnh, giá dầu hiện đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Ngày hôm qua, giá tăng rất mạnh gần như không tạo ra nhịp điều chỉnh nào trong phiên. Dollar Index duy trì đà giảm từ sáng đã hỗ trợ cho giá của hầu hết các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có dầu thô.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ tâm lý của thị trường chính là thông tin OPEC+ có thể cắt giảm mạnh sản lượng dầu của nhóm trong cuộc họp chính sách ngày hôm nay. Nguồn tin của Reuters biết trong tuần này, OPEC+ đang nỗ lực để thống nhất mức cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày. Ngày hôm qua, một nguồn tin OPEC cho biết mức cắt giảm thậm chí có thể lên tới 2 triệu thùng mỗi ngày vì Saudi Arabia có thể tự nguyện giảm sản xuất để hỗ trợ giá dầu và thống nhất chính sách chung của nhóm.
Tuy vậy, quyết định của nhóm có thể sẽ gặp phải sự phản đối của nhiều quốc gia tiêu thụ dầu lớn, trong đó có Mỹ. Nhà Trắng được cho là đang kêu gọi nhóm nước sản xuất dầu không cắt giảm sản lượng quá nhiều. Giá xăng dầu tăng cao trở lại có thể tiếp tục gây áp lực tới lạm phát của Mỹ, vốn đã duy trì ở mức đỉnh 40 năm. Theo ngân hàng Citibank, để đáp trả, Mỹ có thể cân nhắc giải pháp mở thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược.
Rạng sáng hôm nay, dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ API cho thấy tồn kho dầu thô trong tuần 30/09 tại Mỹ giảm trở lại 1,8 triệu thùng, ngược lại với dự đoán tăng 2,1 triệu thùng của giới phân tích. Tồn kho các sản phẩm lọc dầu như xăng và nhiên liệu chưng cất cũng đồng loạt giảm mạnh lần lượt 3,5 và 4 triệu thùng. Theo MXV, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá trong phiên giao dịch sáng nay, trước khi cuộc họp của OPEC+ bắt đầu.
Giá gas bán lẻ nội địa giảm lần thứ 7 trong năm nay
Trên thị trường nội địa, kể từ ngày 01/10 vừa qua, giá gas bán lẻ trong nước ghi nhận lần điều chỉnh giảm thứ 6 liên tiếp với mức giảm lên đến 18.000-18.500 đồng mỗi bình 12kg. Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng không vượt quá 426.500 đồng/bình 12kg và 1.776.500 đồng/bình 50kg. Như vậy, trong năm 2022, giá gas giảm tất cả 7 lần với tổng mức giảm 122.000 đồng/bình 12kg.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 10 là 575 USD/tấn, giảm 65 USD/tấn so với tháng trước đó, dẫn đến giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục giảm giá mạnh.