Thị trường hàng hoá hôm nay 25/4: Dầu thô tăng 1,14%, giá đường lập đỉnh mới
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa phiên giao dịch hôm qua (24/4), diễn biến phân hoá khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Lực mua chiếm ưu thế hỗ trợ chỉ số hàng hoá MXV- Index tăng nhẹ 0,19% lên 2.302 điểm, kết thúc chuỗi giảm 3 ngày liên tiếp.
Đáng chú ý, giá trị giao dịch toàn Sở tăng vọt 40% so với ngày trước đó, đạt mức trên 4.600 tỷ đồng, cao nhất trong gần 2 tuần trở lại đây, cho thấy tâm lý tích cực của nhà đầu tư trong nước sau giai đoạn giá hàng hoá liên tục biến động rất mạnh.
Giá dầu duy trì đà tăng
Thị trường dầu thô tiếp tục duy trì được sắc xanh sau một phiên giao dịch đầy giằng co. Giá dầu thô WTI trên Sở NYMEX tăng 1,14% lên 78,76 USD/thùng, và giá dầu thô Brent niêm yết trên Sở ICE EU tăng 1,31% lên 82,73 USD/thùng.
Giá dầu giảm vào đầu phiên sáng nhưng sau đó hồi phục trở lại trong bối cảnh đồng USD suy yếu cùng với kỳ vọng tiêu thụ tích cực của Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ sắp tới. Chỉ số Dollar Index giảm phiên thứ ba liên tiếp về 101,35 điểm, khiến cho chi phí đầu tư cũng như kinh doanh dầu thô giảm xuống và thúc đẩy sức mua trên thị trường hàng hóa tương lai.
Xét về tiêu thụ tại Trung Quốc, theo S&P Global Commodity Insight, nhu cầu nhiên liệu máy bay nội địa của nước này gần như đã phục hồi hoàn toàn, còn nhu cầu nhiên liệu máy bay quốc tế đã phục hồi gần 70% mức trước đại dịch Covid-19. Lượng đặt vé du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc trong kỳ nghỉ kéo dài từ ngày 29/04 – 03/05 đã tăng 157% so với đầu tháng 4.
Xét về nguồn cung, đợt cắt giảm của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vẫn mang lại những lo ngại nhất định đối với thị trường, trong bối cảnh mà nhu cầu tiêu thụ ở châu Á vẫn mạnh mẽ.
Xuất khẩu dầu thô của Nga không có dấu hiệu giảm, ngay cả khi chính phủ cho biết sản lượng đã bị cắt giảm. Theo dữ liệu theo dõi tàu chở dầu do Bloomberg tổng hợp, dòng chảy từ các cảng của Nga hầu như không thay đổi sau sự phục hồi của tuần trước, duy trì ở mức 3,4 triệu thùng/ ngày. Nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - đã giúp khối lượng đạt mức cao mới trên cơ sở trung bình bốn tuần. Ấn Độ hiện là đối tác nhập khẩu dầu lớn nhất của Nga, với 1,44 triệu thùng/ngày trong tuần trước, vượt qua mức 900.000 thùng của Trung Quốc.
Sự dịch chuyển dòng chảy dầu cũng khiến cho rủi ro nguồn cung tại khu vực châu Âu tăng lên. Hiện xuất khẩu dầu thô của Nga sang châu Âu giảm còn 83.000 thùng/ngày, với Bulgaria là điểm đến duy nhất. Các nước khác tiến thành nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông, Na Uy và Mỹ, tuy nhiên những gián đoạn nguồn cung ở Iraq vào tháng trước đã làm gia tăng khó khăn với các nhà máy lọc đầu của châu Âu.
MXV cho biết, trong hôm nay, thị trường sẽ đón nhận một vài số liệu kinh tế của Mỹ như Doanh số bán nhà và số giấy phép xây dựng. Dù không tác động trực tiếp lên giá dầu thô, nhưng các thông tin này sẽ có tác động lớn đến đồng USD, và trong bối cảnh các báo cáo cung cầu đã được công bố hết, giá dầu sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi diễn biến của đồng bạc xanh.
Giá đường thiết lập mức đỉnh mới trong 11 năm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/4, lực mua áp đảo trên thị trường nguyên liệu công nghiệp. Giá đường thô bật tăng mạnh, xác lập kỷ lục giá mới trong 11 năm. Cụ thể, mặt hàng này tăng 4,03% trong phiên hôm qua, mức tăng mạnh nhất trong 1 phiên kể từ ngày 30/9/2021, giúp giá tiếp tục duy trì mức cao trong 11 năm.
Những lo ngại thiếu hụt nguồn cung tiếp tục gia tăng và dẫn dắt xu hướng của thị trường. Xuất khẩu đường trung bình mỗi ngày trong 3 tuần đầu tháng 4 tại Brazil ở mức 51.300 tấn, thấp hơn rất nhiều so với mức 69.300 tấn trung bình mỗi ngày trong tháng 4 năm ngoái. Con số này thể hiện tình hình xuất khẩu ảm đạm tại Brazil, làm gia tăng lo ngại vấn đề thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, đặc biệt khi các quốc gia sản xuất lớn khác như Ấn Độ, Trung Quốc đều dự báo sản lượng sụt giảm.
Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng làm hạn chế nhu cầu sản xuất đường tại các nhà máy ép mía của Brazil, góp phần hỗ trợ giá đường 11 tăng mạnh.
Giá Robusta ghi nhận mức tăng 2,60% trong phiên hôm qua, đẩy giá giao dịch lên mức cao nhất trong 12 năm. Các đại lý cho biết dự trữ cà phê tại Việt Nam trở nên cạn kiệt và gần như không có thương vụ nào được ký kết mới. Điều này làm giá tăng tình trạng lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường từ trước, từ đó kéo giá đi lên.
Hơn nữa, nông dân tại vùng canh tác cà phê chính của Việt nam có xu hướng chuyển dịch từ canh tác cà phê sang sầu riêng và chanh leo, khiến khả năng mở rộng sản xuất và sản lượng ngày càng khó khăn hơn, góp phần hỗ trợ giá tăng.
Giá Arabica cũng ghi nhận mức tăng hơn 1% so với mức tham chiếu khi thị trường trở lại với những lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.
Xuất khẩu Arabica trong 24 ngày đầu tháng 4 tại Brazil ở mức 1,45 triệu bao 60kg, thấp hơn đáng kể mức 1,72 triệu bao của cùng kỳ tháng trước, cùng với tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đang duy trì tại mức thấp nhất trong 4 tháng mà chưa có thông báo bổ sung hàng mới. Điều này củng cố thêm lo ngại thiếu hụt nguồn cung do hoạt động xuất khẩu kém vào tháng 03 trước đó, từ đấy thúc đẩy giá tăng.
Giá cà phê nội địa vượt mức 51.000 đồng/kg
Cùng chung xu hướng giá thế giới, ghi nhận trong sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng mạnh đến 700 đồng/kg. Như vậy, giá thu mua cà phê nội địa đã vượt mốc 51.000 đồng/kg, dao động trong ở mức 51.200 - 51.700 đồng/kg; cao hơn khoảng 700 đồng/kg so với cùng thời điểm ghi nhận trong năm ngoái.
Thống kê từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng 04, cả nước ta đã xuất khẩu 81,4 nghìn tấn cà phê, thu về kim ngạch 192,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu cà phê giai đoạn từ 1/4 - 15/4 đã tăng gần 5% về lượng và tăng hơn 6,6% về giá trị.