Thị trường dầu mỏ trong tuần qua biến động trái chiều
- Giá dầu đã trồi sụt trái chiều ngay trong phiên giao dịch đầu tuần 7/1, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng yếu đi và mối lo ngại về cuộc chiến ngân sách tại Mỹ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Mặc dù số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 12/2012, nền kinh tế Mỹ đã tạo mới được 155.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 7,8%, song thông tin tích cực này đã hoàn toàn bị "lu mờ" trước báo cáo cho thấy nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm, cùng mối lo ngại về vấn đề ngân sách của Mỹ. Wasington tuy đã loại bỏ được nguy cơ "vách đá tài chính" ngay vào những giờ phút đầu tiên của Năm Mới, song lại đang phải đối diện với một trận chiến mới về vấn đề ngân sách trong hai tháng tới, khi việc cắt giảm chi tiêu sẽ lại được "đụng" tới vào cuối tháng Hai. Ngoài ra, nước Mỹ cũng không thể né tránh một vấn đề nan giải khác là nâng trần nợ công từ mức cao kỷ lục 16.400 tỷ USD hiện nay. Nỗi lo về những chia rẽ trong các cuộc thương lượng tại Quốc hội Mỹ về trần nợ quốc gia và cắt giảm chi tiêu công, cùng thông tin kinh tế tiêu cực tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục khiến giao dịch trên thị trường trầm lắng và đẩy giá dầu tăng giảm trái chiều trong các phiên tiếp theo. Thậm chí, trong phiên 9/1, giá dầu đã tiếp tục “đổ dốc,” và giá dầu ngọt nhẹ ở New York còn tụt xuống dưới 93 USD/thùng. Tình trạng thất nghiệp gia tăng tại 17 quốc gia thuộc Eurozone (tăng lên mức 11,8% trong tháng 11/2012, từ mức tương ứng 11,7% trong tháng 10, và là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất của Eurozone kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999) khiến giới đầu tư càng nghi ngại hơn về khả năng phục hồi kinh tế của khu vực này. Trong khi đó, tại Đức - nền kinh tế số một châu Âu - cũng công bố báo cáo cho thấy lượng đơn đặt hàng trong lĩnh vực công nghiệp của nước này đã giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 11/2012 do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa từ nước ngoài suy yếu, kéo hoạt động xuất khẩu của nước này giảm mạnh. Tuy nhiên, thị trường đã bừng tỉnh trong phiên 10/1 sau khi đón nhận thông tin cho hay hoạt động thương mại của Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2012. Theo số liệu chính thức, thặng dư thương mại của Trung Quốc năm 2012 đã tăng tới 48,1% lên 231,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 7,9% lên 2.050 tỷ USD, nhập khẩu tăng 4,3% lên 1.820 tỷ USD. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Quốc đã bước sang một ngã rẽ mới sau 7 tháng tăng trưởng trì trệ. Bên cạnh đó, giá dầu còn được hỗ trợ nhờ báo cáo lợi nhuận đáp ứng được kỳ vọng của tập đoàn nhôm khổng lồ Alcoa của Mỹ, cùng thông tin về việc nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới Arập Xêút đã cắt giảm sản lượng khai thác của nước này trong hai tháng cuối năm 2012, giảm đi 700.000 thùng/ngày xuống còn 9 triệu thùng/ngày. Trong phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc đã có lúc tăng lên 113,29 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 18/10/2012, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ chạm 94,70 USD/thùng - mức đỉnh nhất kể từ ngày 19/9/2012. Thế nhưng, niềm vui "ngắn chẳng tày gang" khi ngay trong phiên tiếp theo, phiên cuối tuần ngày 11/1, giá dầu đã đảo chiều đi xuống, chủ yếu do hoạt động bán ra chốt lời của giới đầu tư cùng nỗi lo về sức tăng trưởng yếu ớt của kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, giá dầu phiên này còn bị tác động ít nhiều trước các số liệu mới nhất cho biết tỷ lệ lạm phát tại Trung Quốc trong tháng 12/2012 đã tăng lên đáng kể so với các tháng trước đó, cho thấy nền kinh tế này có thể đang tăng nóng. Thị trường dầu mỏ hiện đang chờ đợi thêm những số liệu kinh tế mới sắp được công bố để có phương hướng giao dịch rõ ràng hơn trong những phiên tiếp theo. Đóng cửa phiên cuối tuần 10/1, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 2/2013 giảm 26 xu so với phiên trước xuống 93,25 USD/thùng, tuy nhiên, vẫn tăng nhẹ so với 92,65 USD/thùng của cuối tuần trước nữa. Trong khi đó tại London, giá dầu Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 1,25 USD so với phiên trước xuống 110,64 USD/thùng, và thấp hơn so với 111,22 USD/thùng của cuối tuần trước nữa./.
Theo Vietnam+