Thị trường chuyển phát nhanh 2022: Cơ hội lớn tạo bứt phá sau dịch
Vai trò sống còn của chuyển phát nhanh đối với phát triển kinh tế
Từ thời điểm nhiều tỉnh thành lớn tại Việt Nam phải giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 hoành hành cho đến thời điểm “bình thường mới” này, người ta đã thấy rõ vai trò “sống còn” của lĩnh vực bưu chính, chuyển phát nhanh đối với sự vận hành, phát triển của đời sống kinh tế - xã hội trong nước.
Trong năm 2021, quý II và quý III được xem là thời gian đỉnh dịch hoành hành tại Việt Nam, hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát. Theo dự thảo báo cáo đánh giá công tác quản lý nhà nước quý III và nhiệm vụ quý IV/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, số doanh nghiệp bưu chính lũy kế đến tháng 9/2021 là 650 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, doanh thu bưu chính ước tính quý III chỉ đạt 5.000 tỷ (giảm 50% so với quý II/2021), lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt khoảng 25.000 tỷ (giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái).
Các doanh nghiệp chuyển phát đầu tư mạnh cho chuyển đổi số để thích nghi với bình thường mới |
Doanh thu quý 3 giảm đến 50% so với quý 2 là do ảnh hưởng của dịch vào thời điểm “căng như dây đàn” hồi tháng 7 - 8. Khi đó, các doanh nghiệp bưu chính gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ. Chẳng hạn, xe tải tại các chốt vào tỉnh bị chặn lại gây ùn tắc ảnh hưởng tới thời gian toàn trình của bưu gửi; tại một số quận/huyện bưu tá/shippers gặp khó khăn khi đi qua các chốt kiểm soát; các bưu cục/kho hàng trong khu vực cách ly, phong tỏa bị buộc phải đóng cửa; lực lượng bưu tá/shippers giảm sút do thuộc đối tượng F0, 1, 2 hoặc do sinh sống trong khu cách ly…
Bên cạnh đó, việc tuyển dụng mới để bù số thiếu hụt không khả thi do không được cấp mã QR để hoạt động. Lực lượng lao động bị cắt giảm theo yêu cầu của chính quyền địa phương khiến các doanh nghiệp bưu chính thiếu nguồn lực để khai thác, hoạt động (đa phần các doanh nghiệp chỉ được bố trí khoảng 20% lao động ở TP.HCM hoặc 50% ở Hà Nội). Mặt khác, chi phí xét nghiệm PCR cho bưu tá/shipper khi đi giao nhận, chuyển phát hàng đã phát sinh chi phí lớn và tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp bưu chính.
Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, các doanh nghiệp chuyển phát đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình với nền kinh tế, đặc biệt là tình hình an sinh xã hội. Khi mọi hoạt động khác gần như phải đứng yên - trừ công tác chống dịch - thì bưu chính, chuyển phát là “mạch máu” giúp nền kinh tế vẫn “sống”, tình hình an sinh xã hội vẫn ổn định. Chính vì vậy, dù doanh thu suy giảm mạnh, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực vẫn tiếp tục tăng.
Tăng tốc đầu tư để nắm bắt cơ hội
Theo đánh giá của các doanh nghiệp chuyển phát, tình trạng “bình thường mới” hiện nay và trong năm 2022 đòi hỏi các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát phải liên tục thay đổi, thích nghi nhằm tăng sức cạnh tranh và chinh phục thị trường. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã tích cực gia tăng đầu tư, ứng dụng công nghệ số và tạo dấu ấn khác biệt. Đơn cử như công ty chuyển phát nhanh quốc tế J&T Express đã hợp tác với nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT). Không chỉ trong nước, J&T Express còn phủ sóng đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, cho phép khách hàng có thể chuyển phát hàng hóa đi khắp thế giới.
Ông Phan Bình - Giám đốc thương hiệu J&T Express - chia sẻ: Một trong những điểm mạnh của J&T Express là ứng dụng công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại vào quá trình vận chuyển hàng hóa, cũng như không ngừng đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết và tích hợp dịch vụ vận chuyển với các phần mềm quản lý bán hàng, sàn TMĐT hay các sàn giao dịch vận chuyển nhằm tối ưu hóa tiện ích và hỗ trợ tốt nhất cho người kinh doanh online. Chẳng hạn, ngay từ đầu năm 2021, chúng tôi hợp tác với Haravan giúp người kinh doanh online không chỉ tiết kiệm đến 50% chi phí vận chuyển mà còn gia tăng gấp đôi hiệu suất làm việc của đội ngũ nhân viên trong cửa hàng, doanh nghiệp. Bên cạnh việc đầu tư phát triển hệ thống, chúng tôi còn liên tục tổ chức nhiều chương trình ưu đãi vừa kích cầu khách hàng sử dụng dịch vụ vừa chia sẻ khó khăn với họ. Một trong những chương trình nổi bật của J&T trong năm 2021 là “Red Tuesday" - chuỗi chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho mọi đối tượng khách hàng, diễn ra vào ngày thứ 3 trong tuần.
Theo ông Phan Bình, J&T Express cũng đang xây dựng trung tâm trung chuyển thứ 37, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2022. Đây là trung tâm trung chuyển hiện đại nhất tại Việt Nam với diện tích lên đến 60.000 mét vuông, ứng dụng các công nghệ hiện đại như hệ thống phân loại thông minh DWS, quy trình xử lý tự động theo quy chuẩn Smart Logistics và hệ thống băng chuyền ma trận tự động, khả năng xử lý lên tới hơn 2 triệu kiện mỗi ngày…
Ngoài J&T, các doanh nghiệp chuyển phát như Viettel Post, Nhất Tín Logistics… cũng liên tục thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Ông Nguyễn Văn Tú - Tổng giám đốc Công ty Nhất Tín Logistics cho biết, chúng tôi đã đón đầu xu hướng bằng việc thành lập Công ty Nhất Tín Express (NTX) từ cuối năm 2020. Hiện nay, NTX là công ty e-logistics có tốc độ tăng trưởng nhanh và xử lý hàng chục ngàn đơn hàng mỗi ngày. Có thể nói, thời gian chuẩn bị hệ thống và sản phẩm đã hoàn tất, NTX đang bước vào giai đoạn phát triển, dự tính sản lượng quý I/2022 sẽ tăng gấp 5 lần sản lượng của quý IV/2021. Ngoài ra chúng tôi đẩy mạnh phát triển mảng kho vận và Fulfilment (xử lý đơn hàng) để hoàn thiện chuỗi cung ứng trong lĩnh vực logistics. Đây là lĩnh vực kinh doanh mới mẻ và đầy tiềm năng, phục vụ cho các doanh nghiệp B2B, B2C cũng như đón đầu xu hướng D2C trên thị trường.
“Qua năm 2022, chúng tôi sẽ mở thêm nhóm dịch vụ kinh doanh chuyển phát nhanh ra nước ngoài bao gồm chuyển phát quốc tế và Freight Forwarder. Đặc biệt chúng tôi sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu trong năm 2022”- ông Tú kỳ vọng.