Thứ năm 24/04/2025 10:23

Thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư

Siêu thị FujiMart thuộc FujiMart Vietnam Retail LLC - “đứa con chung” của Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation sẽ khai trương siêu thị thứ 3 tại 324 Tây Sơn, Hà Nội trong tháng 5. Đây là sự mở đầu được chờ đón bởi FujiMart là sự cộng hưởng sức mạnh kinh nghiệm hơn 50 năm trong ngành bán lẻ của Sumitomo Corporation tại Nhật Bản cùng sự am hiểu thị trường từ Tập đoàn BRG.

Không chỉ có Sumitomo, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản khác đã phát triển tương đối tốt tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Dù thị trường chứng kiến sự ra đi của rất nhiều tên tuổi lớn song AEON - Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, đã không ngừng mở rộng mạng lưới tại Việt Nam. Năm 2020, dù nền kinh tế ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng cuối năm, AEON MALL vẫn khai trương siêu thị thứ 6 của mình tại Việt Nam. Sau 3 trung tâm thương mại lớn ở khu vực phía Nam, AEON đã tiến quân ra thị trường phía Bắc, bắt đầu với AEON MALL ở Long Biên, sau đó là Hà Đông (Hà Nội), Lê Chân (Hải Phòng) và đang chuẩn bị với AEON Hoàng Mai (Hà Nội). “Trạm” kế tiếp được dự báo sẽ là TP. Hồ Chí Minh với vốn đầu tư 250 triệu USD.

Thị trường bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài (Ảnh: Cấn Dũng)

Trong khi đó, sau khi khai trương cửa hàng UNIQLO đầu tiên tại Việt Nam (Đồng Khởi, TP.Hồ Chí Minh) vào cuối năm 2019 và thu hút nhiều đối tượng khách hàng nhờ sản phẩm có giá cả hợp lý và thời trang. UNIQLO đã chính thức đưa thương hiệu thời trang đến với người tiêu dùng Hà Nội vào đầu năm 2020 với cửa hàng đầu tiên tại Vincom Phạm Ngọc Thạch và dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm các cửa hàng khác ở Hà Nội và TP.HCM trong vòng 3-5 năm tới. Đến nay, cửa hàng này vẫn là địa chỉ thu hút người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, giá thành, chất lượng, sự đa dạng, sự tiện lợi về vị trí của cửa hàng thường được coi là 4 yếu tố dẫn dắt sự thành công của các chuỗi bán lẻ. Nhưng đối với các nhà bán lẻ Nhật Bản thì chiều sâu mới là yếu tố “ăn điểm”. Các nhà bán lẻ Nhật Bản với lợi thế văn hóa kinh doanh chuộng chất lượng và đề cao sự gắn bó, trung thành. Đơn cử, sau hơn 2 năm kể từ siêu thị FujiMart đầu tiên đi vào hoạt động, FujiMart đã phát triển tổng số được 3 siêu thị. Đây là con số khiêm tốn khi cả hai đều là những “ông lớn” trên thị trường phân phối bán lẻ. Lý giải về việc này, đại diện FujiMart Việt Nam khẳng định, thay vì nhân rộng mô hình một cách gấp gáp, FujiMart phải luôn cân nhắc và lên kế hoạch một cách cẩn trọng, để mở được những siêu thị thật chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân Hà Nội.

Phân tích của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, năm 2021 tăng trưởng kênh phân phối bán hàng hiện đại được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ sự mở rộng của các loại hình nhỏ, đặc biệt là minimart. Sự đa dạng loại hình bán lẻ đặt ra thách thức cạnh tranh, vì vậy mỗi loại hình bán lẻ cần phát huy tối đa thế mạnh của mình. Đặc biệt, khách hàng siêu thị có xu hướng già hóa (50-65 tuổi) trong khi giới trẻ (18-24 tuổi) chuộng kênh cửa hàng tiện lợi còn minimart thu hút nhóm tuổi đi làm (25-34 tuổi). Hãng này đưa khuyến nghị các siêu thị cần đi theo hướng mua sắm + giải trí, hàng nhãn riêng. Bên cạnh đó, cần thích nghi nhanh với sự phân hóa và thay đổi thói quen của người tiêu dùng, tập trung tăng cường trải nghiệm mua sắm, thanh toán, mua hàng; ứng dụng công nghệ, số hóa, hợp tác online + offline.

Một số công ty nghiên cứu thị trường cũng chỉ ra rằng trong bối cảnh thị trường bán lẻ ngày càng cạnh tranh gay gắt và xuất hiện những yếu tố mới, sự thay đổi nhanh chóng của các tệp khách hàng đối với nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, trải nghiệm... những nhà bán lẻ có nguồn lực dồi dào, am hiểu thị trường và nhanh nhạy cập nhật, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình sẽ có nhiều lợi thế hơn. Điển hình là trong bối cảnh khó khăn chung, vẫn có doanh nghiệp bán lẻ làm ăn hiệu quả, có lãi và đặt mục tiêu mở rộng mô hình, tăng số lượng điểm bán.

Đơn cử, nhờ am hiểu thị trường, đồng hành với người tiêu dùng mà Saigon Co.op đã duy trì được mức tăng trưởng dương trong năm 2020: doanh số năm 2020 đạt hơn 33.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỉ đồng, bảo đảm cho 18.000 cán bộ, nhân viên không bị mất việc hay giảm lương. Ban tổng giám đốc Saigon Co.op xác định định hướng năm 2021 sẽ đa dạng hóa các loại hình bán lẻ, phấn đấu dẫn đầu thị trường về chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phát triển hàng nhãn riêng, hoàn thiệt chuỗi cung ứng theo hướng hiện đại. Trong năm nay, nhà bán lẻ thuần Việt đặt mục tiêu thêm 136 điểm bán, mở rộng độ phủ lên 44/63 tỉnh, thành trên cả nước, 2 triệu lượt khách mỗi ngày, tốc độ tăng trưởng 8%-10%/năm.

Bên cạnh việc đầu tư mở rộng hệ thống, Saigon Co.op cũng tập trung hoàn thiện chuỗi logistics, nâng cấp các dịch vụ, đa dạng hình thức thanh toán không tiền mặt, Saigon Co.op tiếp tục phát triển thêm nhiều cách thức thanh toán tiện lợi mới, phù hợp với xu hướng "không tiền mặt".

Hoặc, thay vì “đơn thương độc mã” như trước đây, các doanh nghiệp đã tìm kiếm những đối tác nước ngoài để cùng phát triển dự án. Tập đoàn BRG cũng không ngoại lệ khi bắt tay với Sumitomo Corporation nhằm mục đích “dẫn dắt” trên thị trường bán lẻ. Từ sự hiểu biết và thấu hiểu, các siêu thị Việt có thể đem đến chất lượng hàng hóa tốt, đa dạng và quan trọng nhất là phù hợp đến với người tiêu dùng. Đó chính là những điều mấu chốt nhất để siêu thị Việt giữ chân khách hàng.

Bảo Ngọc