Thi đua sáng kiến từ cá nhân đến tập thể
Phong trào thi đua phát huy sáng kiến, góp phần giảm chi phí hạ giá thành sản phẩm |
Sáng kiến được ứng dụng tăng mạnh
Tính riêng trong 5 năm, từ năm 2008 đến năm 2012, đã có 746 sáng kiến của 1.903 lượt tác giả được áp dụng, làm lợi cho Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao 61 tỷ đồng. 56 người được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; 1 đề tài khoa học được tặng Giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam (VIFOTEC); 1 đề tài được tặng Giải Vàng tại triển lãm Hội chợ sáng tạo Quốc tế tại Seoul - Hàn Quốc.
Số sáng kiến ứng dụng vào thực tế mỗi năm đều tăng lên. Năm 2014, công ty có 291 sáng kiến, tăng hơn so với năm 2013 là 84 sáng kiến, số tiền làm lợi trên 188 tỷ đồng. Từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 36 đề tài sáng kiến được đưa vào áp dụng.
Ông Phạm Quang Tuyến - Tổng giám đốc công ty- khẳng định: Phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại công ty là một trong những yếu tố góp phần giảm chi phí, hạ giá thành, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh; đưa công ty phát triển bền vững, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện rõ rệt.
Tấm gương sáng trong phong trào thi đua
Tại Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, không thể không nhắc đến Kỹ sư Hóa vô cơ Bùi Cao Cường - Phòng Kỹ thuật, An toàn và Môi trường. Anh là một trong những tấm gương trẻ đầy nhiệt huyết trong phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Dù mới 31 tuổi, nhưng tính riêng năm 2014, anh đã có 4 sáng kiến, đề tài khoa học được công nhận. Điển hình là sáng kiến “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và giải pháp quản lý công đoạn sản xuất sấy sản phẩm trừ sâu công nghiệp (Na2SiF6) tại Xí nghiệp Supe phốt phát nhằm làm giảm chi phí sản xuất”. Nhờ áp dụng sáng kiến này, lượng dầu FO tiêu hao từ 80 kg dầu FO/tấn sản phẩm đã giảm xuống còn 66,15 kg dầu FO/tấn. Giá trị làm lợi là 786 triệu đồng.
Ngoài ra, sáng kiến “Triển khai nghiên cứu, sản xuất Supe lân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản” cũng được đánh giá cao. Trước khi có sáng kiến này, sản phẩm Supe lân của công ty có hàm lượng P2O5 tan trong nước 11,5%. Trong khi đó, các yêu cầu về sản phẩm Supe lân xuất khẩu ra nước ngoài (đặc biệt xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản) thường có yêu cầu khắt khe về mặt chất lượng, nhất là đối với hàm lượng P2O5 tan trong nước (yêu cầu 13%). Trước thực tế này, Kỹ sư Bùi Cao Cường đã đưa ra giải pháp bổ sung Supe kép chạy với năng suất 3,0 tấn supe kép/giờ; tiến hành sản xuất supe lân có bổ sung 50kg supe kép/1 tấn supe lân. Do có bổ sung Supe kép nên hàm lượng P2O5 hữu hiệu, P2O5 tan trong nước, P2O5 tổng trong Supe tươi khi ra khỏi phòng hóa thành đều tăng (hàm lượng P2O5 tan trong nước ≥ 15%) đạt theo các yêu cầu kỹ thuật đã đề ra. Giải pháp đã giúp sản xuất được Supe lân dạng bột có hàm lượng P2O5 tan trong nước 13% và các chỉ tiêu khác, đáp ứng theo yêu cầu khắt khe của khách hàng Nhật Bản.
Giải pháp này đã góp phần đáp ứng nhu cầu của khách hàng về sản phẩm Supe lân, tăng doanh thu đồng thời quảng bá thương hiệu, hình ảnh của công ty ra thị trường thế giới.
Từ năm 2008 đến năm 2012, đã có 746 sáng kiến của 1.903 lượt tác giả được áp dụng, làm lợi cho Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao 61 tỷ đồng. |