Thay đổi hành vi để giảm thiểu chất thải nhựa
Theo nghiên cứu Đánh giá nồng độ vi nhựa trong các môi trường nước ngọt và biển ở Việt Nam của TS. Emilie Strady - Viện Nghiên cứu về Phát triển bền vững Pháp (IRD), phạm vi ô nhiễm vi nhựa liên quan đến các nguồn vi nhựa thải ra môi trường, bao gồm các hoạt động nhân sinh như nuôi trồng thủy sản, nghề cá, hộ gia đình, bãi chôn lấp và việc thải trực tiếp nước thải đã qua xử lý hoặc chưa qua xử lý. Bên cạnh đó, phạm vi nồng độ nhựa thấp hơn được quan sát thấy ở các vịnh, trong khi phạm vi nồng độ nhựa cao hơn được ghi nhận tại các con sông.
Rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển |
Dưới tác động của bức xạ UV mặt trời, gió, nước, va đập cơ học…, rác thải nhựa bị phân rã thành các vi hạt nhựa với mọi chủng loại, kích thước biến thiên từ 1mm - 1 micron, thậm chí còn ở dạng siêu nhỏ. PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) - cho biết, hiện nay, các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày được bao gói bằng vật liệu nhựa có nguy cơ cao về nhiễm vi nhựa. Ngay cả nước uống đóng chai, vi nhựa cũng đã xuất hiện. Khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới, lấy mẫu 259 chai nước tại 19 khu vực của 9 quốc gia đối với 11 nhãn hàng cho kết quả, trung bình có 325 hạt nhựa/L. Không những thế, vi nhựa cũng được tìm ra ở cá biển và hàu với mức trung bình 6 và 5 hạt/cá thể. Tiêu thụ hải sản là con đường tiếp xúc với vi nhựa của con người, do kích thước nhỏ, vi nhựa có thể được ăn bởi nhiều loại sinh vật biển. Cùng với đó, các nghiên cứu cũng đã tìm thấy vi nhựa trong bia, mật ong và muối biển.
Vi nhựa và thành phần của chúng có thể gây độc tính cục bộ, nhưng phơi nhiễm mãn tính tạo ra hiệu ứng tích lũy là mối quan tâm lớn hơn. Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chỉ ra nhiều con đường tiếp xúc với vi nhựa thông qua thực phẩm. Phụ gia hóa học trong nhựa có thể gây ra ảnh hưởng độc hại. Phơi nhiễm trực tiếp với POP và các hóa chất khác liên quan đến vi nhựa có thể ảnh hưởng đến hệ thống sinh học và gây ra các mối đe dọa cụ thể đối với người và động vật, kể cả ở liều thấp.
Do vậy, để giảm thiểu tác động của vi nhựa đến môi trường, hệ sinh thái và đời sống con người, mọi tổ chức, cá nhân đều phải nghiêm túc tuân thủ thực hiện những chính sách đã ban hành; rà soát và kịp thời bổ sung những điểm chưa phù hợp để đáp ứng với thực tế... Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và làm chủ các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực vật liệu thay thế sản phẩm nhựa cũng như phương pháp xử lý rác thải nhựa hữu hiệu và bền vững. Cần phân loại rác ngay từ nguồn thải để rác thải nhựa được tách biệt, thu gom triệt để, sau đó là xử lý. Việc xử lý phải được kết hợp nhiều giải pháp từ công nghệ tái tạo, hoàn nguyên nhựa với tiêu hủy rác nhựa và cuối cùng là chôn lấp cô lập để rác thải nhựa không còn gây hại cho môi trường.
Để giảm thiểu, chống ô nhiễm do rác thải nhựa ở Việt Nam, tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào nói không với rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. Tất cả các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, hành động giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần và chất hữu cơ khó phân hủy. |