Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp nông nghiệp
Doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng kêu vướng về kiểm dịch
Tại sao thủy sản Việt Nam xuất được sang EU nhưng siêu thị trong nước lại từ chối?. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đặt vấn đề tại cuộc họp về một số tồn tại, vướng mắc trong văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa Bộ NN&PTNT với các hội, hiệp hội doanh nghiệp ngày 7/7.
Cụ thể, Việt Nam được xếp vào Top 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản nhưng thị trường nội địa 100 triệu dân lại có những vướng mắc, hàng thủy sản có thể xuất khẩu sang EU nhưng lại không thể đưa vào các siêu thị của Việt Nam vì một quy định tại Thông tư số 10 của Bộ NN&PTNT. Nguyên nhân dẫn đến bất cập này là do Thông tư 10 cấm kháng sinh Enrofloxacin vì thị trường Nhật Bản, Mỹ cấm loại kháng sinh này, trong khi thị trường EU lại chấp nhận một lượng rất nhỏ. Đấy là lý do dẫn đến một số hàng hóa có thể xuất khẩu vào EU nhưng các siêu thị ở Việt Nam không chấp nhận do vướng quy định tại Thông tư 10.
Cuộc họp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp nông nghiệp |
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hoài Nam, một số quy định của EU khiến việc xuất khẩu cồi sò điệp của Bình Thuận đang gặp khó khăn do chưa kiểm tra khảo nghiệm xuất khẩu. "Đã mất hơn 2 năm doanh nghiệp gặp khó khăn khi xuất khẩu cồi sò điệp sang EU. Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản xúc tiến nhanh để cồi sò điệp của Bình Thuận có thể xuất khẩu sang EU vào dịp Noel tới", ông Nam kiến nghị.
Đối với vấn đề nguyên liệu cho ngành hàng chế biến thủy sản, hiện có 2 nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến gồm: sản xuất trong nước; nhập khẩu nguyên liệu có chất lượng để đáp ứng nhu cầu năng lực chế biến. Qua rà soát văn bản liên quan đến kiểm tra nhập khẩu, ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị, sản phẩm chế biến thì cần được đưa vào kiểm tra an toàn thực phẩm và có cơ chế cho việc kiểm tra này. Còn đối với sản phẩm còn sống, tươi thì theo thông lệ quốc tế là kiểm dịch. Gỡ được khó khăn này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn nguyên liệu hợp pháp, sạch cho chế biến, thúc đẩy xuất khẩu.
Trong ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Thanh Sơn- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam- cho biết, thực hiện Luật Chăn nuôi, Chính phủ và Bộ đã có các nghị định, thông tư, nhưng quá trình thực hiện rất khó khăn, chưa phù hợp với thực tế và chưa đầy đủ. Đó là các khái niệm về khu dân cư, chăn nuôi nhỏ lẻ…hay các quy định về loa phát thanh chim yến, biện pháp xử lý rác thải, mật độ chăn nuôi, nguồn cung cấp nước cho khu vực chăn nuôi… chưa rõ nên khiến việc thực thi thực tế gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.
Một số quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn không phù hợp với thực tiễn. Điển hình như quy định về chứng nhận hợp quy cho doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi có thể nói là gây khó dễ, tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Thực chất quy chuẩn là để quản lý chất lượng mà quản lý chất lượng thức ăn, thuốc thú y đã có những quy định khác cao hơn nhiều. Bên cạnh đó, các nước trên thế giới cũng không có quy định này.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương- Phó Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc thú y- cho biết, thuốc thú y, nhiều vật tư dùng trong chăn nuôi xếp vào danh mục hàng hóa nhóm 2. Nhưng đây là những sản phẩm được sản xuất trong điều kiện nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP. Sản phẩm được đóng gói cẩn thận. Nhiều sản phẩm gần như không gây mất an toàn. Do vậy, Bộ NN&PTNT cần xem xét không nên để tất cả các vật tư thú y vào nhóm 2.
Đồng ý quan điểm bãi bỏ chứng nhận hợp quy đối với thuốc thú y vì thuốc thú y đã có kiểm soát theo GMP, đăng ký lưu hành đầy đủ hơn so với hợp quy. Nếu quản lý hợp quy thì sẽ rất chồng chéo, thêm khâu quản lý, trong khi quốc tế cũng không có đăng ký hợp quy. Bà Nguyễn Thị Hương cho hay, nếu doanh nghiệp tiếp tục phải chứng nhận hợp quy sẽ làm mất thời gian chi phí của doanh nghiệp, làm tăng giá thành sản phẩm thuốc thú y, chăn nuôi; giảm sự canh tranh của sản phẩm chăn nuôi.
Liên quan đến kiểm dịch, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, sản phẩm sữa nhập khẩu vẫn phải kiểm dịch. Các sản phẩm sữa chế biến, có bổ sung thêm canxi, collagen… thì không thể còn vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, Bộ cần bãi bỏ quy định này.
Cần sửa văn bản, chính sách và cả "thái độ"
Trước kiến nghị của các Hiệp hội, ngành hàng, bà Vũ Thị Mai Hiên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT)- cho biết, hiện, Vụ Pháp chế đang xem xét sửa đổi một số văn bản trong lĩnh vực thủy sản như cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở; Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản...
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- cho biết, ngành nông nghiệp đang quản lý, cấp phép khoảng 20 loại giấy chứng nhận đến hẹn phải cấp lại. Theo quy định, khi hết hạn thì cơ quan quản lý phải đi kiểm tra để cấp lại. Trong điều kiện Covid-19, Bộ sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có nghị quyết để điều chỉnh quy định này với các điều kiện như kiểm tra tuyến để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Về các hoạt động về cấp phép về kiểm dịch trong xuất nhập khẩu hiện nay còn một số vướng mắc. Hiện ngành đã giảm 157 mã hàng hóa (HS) từ trên 300 mã hàng phải kiểm tra. Thời gian tới, Bộ tiếp tục đưa ra các giải pháp để giảm số mặt hàng cần kiểm tra. Đồng thời, thời gian kiểm tra cũng cần phải nhanh hơn, thái độ phục vụ tốt hơn và có ứng dụng công nghệ để tránh doanh nghiệp phải chờ đợi.
Hiện nay, một số doanh nghiệp còn vướng mắc về kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó có VASEP. Theo thông lệ quốc tế, đối với mặt hàng tươi sống thì kiểm dịch, còn các mặt hàng chế biến thì chỉ kiểm tra an toàn thực phẩm. Hiện với các mặt hàng thực vật thì ngành nông nghiệp đã thực hiện theo thông lệ này, riêng động vật thì đang áp dụng kiểm dịch cả sản phẩm tươi sống và đã chế biến. Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y xem xét, tính toán theo đúng thông lệ quốc tế, đảm bảo sản phẩm sử dụng cho con người đảm bảo an toàn và doanh nghiệp có điều kiện thông thoáng nhất. “Để tạo môi trường cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ngoài sửa cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật… thì quan trọng không kém là sửa “thái độ”. Bởi, nhiều quy định các bên đều thấy đúng nhưng cách thức triển khai quy định đó đôi khi khiến hiệu quả công việc chưa cao. Một nền hành chính phục vụ đúng nghĩa thì thái độ là gốc, cần thay đổi”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.