Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bưu chính
Nguy cơ mất an toàn trong hoạt động bưu chính ngày càng hiện rõ khi thống kê của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, Cục đã phát hiện, xử lý 7.270 bưu phẩm, bưu kiện phát tán qua dịch vụ bưu chính chứa 8.022 loại vũ khí, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ; ngăn chặn, gỡ bỏ 102 đường dẫn tài khoản Facebook, 6.000 đường dẫn video YouTube, 41 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Thương mại điện tử bùng nổ, một mặt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong vận chuyển hàng hóa |
Những con số này cho thấy, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và linh kiện để lắp ráp vũ khí trên không gian mạng, dịch vụ bưu chính vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt, gây khó khăn cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng. Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, các doanh nghiệp ngành bưu chính cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong vận chuyển hàng hóa khi số đơn hàng tăng lên nhanh chóng, trong khi những quy định pháp luật vẫn còn tiềm ẩn nhiều kẽ hở khiến hoạt động bưu chính gặp nhiều khó khăn.
Ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện trên thị trường có tổng số khoảng 500 doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát được cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng xin được cấp phép để phục vụ nhu cầu của thị trường nội địa.
Cung cầu gia tăng, tuy nhiên, những hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã xuất hiện, như doanh nghiệp áp dụng giá dịch vụ bưu chính, vận chuyển dưới giá thành để cạnh tranh dẫn đến bóp méo thị trường; nhiều doanh nghiệp xin cấp phép để xe được dán tem “xe bưu chính” nhưng không thực hiện chuyển phát mà chỉ nhằm tránh bị kiểm tra...
Chưa kể, thực tế thời gian qua cho thấy, có một số khách hàng không trung thực, cố tình làm giả hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa và lợi dụng đường chuyển phát để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Những vấn đề này ngày càng trở nên nhức nhối, tác động nghiêm trọng đến công tác an toàn, an ninh bưu chính. Hệ lụy nữa là các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát chân chính cũng bị “vạ lây” khi có doanh nghiệp trong ngành làm mất uy tín, hình ảnh.
Do đó, để bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động bưu chính, chuyển phát, các doanh nghiệp trong ngành đề xuất các cơ quan hữu quan cần siết chặt hoạt động cấp phép cho các doanh nghiệp bưu chính, kèm theo đó là những quy định rõ ràng như doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện gì, vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu, quy định về bảo hiểm hàng hóa của khách hàng như thế nào…
Về phía các doanh nghiệp, mới đây, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính chuyển phát tại Việt Nam đã cùng ký cam kết không nhận, chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu điện. Đây cũng là hành động thiết thực của các doanh nghiệp bưu chính lớn nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 28/CT-BTTTT ngày 8/5/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và nâng cao hiệu quả phòng chống việc chấp nhận, vận chuyển và phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu điện.
Theo đó, các doanh nghiệp cùng cam kết tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính. Đồng thời, tăng cường đào tạo, phổ biến, quán triệt đến người lao động các quy định của pháp luật về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính.
Song song với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những điểm còn mâu thuẫn, chưa rõ ràng, thống nhất trong các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động bưu chính. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang đề xuất thành lập Hiệp hội Bưu chính để bảo vệ quyền lợi cho những doanh nghiệp bưu chính chân chính hoạt động hiệu quả.