Thanh Hóa: Triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Giáp Thìn
Hàng hóa Việt Nam chiếm đa số
Ông Lê Văn Khoa, Trưởng phòng Thương mại Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị phối hợp thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Các nguồn hàng hóa thiết yếu đã được các siêu thị chuẩn bị từ đầu quý IV/2023 để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân |
Theo đó, Sở Công Thương Thanh Hóa đã đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia các hoạt động bình ổn thị trường; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, như: tổ chức các phiên/chuyến bán hàng Việt lưu động tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Thanh Hóa cũng đã chuẩn bị tốt nguồn hàng, các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho Nhân dân vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các điểm bán hàng và giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương; các doanh nghiệp căn cứ năng lực tài chính và tình hình thực tế, chủ động dự trữ hàng hoá, góp phần bảo đảm bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh, ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh, đảm bảo không để khu dân cư, cụm dân cư, địa phương nào thiếu hụt hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán.
Các mặt hàng bánh kẹo tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa |
Trước đó, để nắm chắc cung - cầu thị trường và tình hình biến động giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, kịp thời phát hiện những bất ổn của thị trường để có tham mưu giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa và ổn định giá cả, Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 1507/KH-SCT ngày 27/11/2023 về khảo sát tình hình giá cả, thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Sở Công Thương phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh khảo sát, nắm bắt tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán tại các cơ sở kinh doanh và sức mua của người dân thời điểm trước và trong Tết; nắm tình hình hàng hóa tiêu thụ/tồn đọng tại cơ sở kinh doanh sau Tết Nguyên đán; đặc biệt chú trọng các địa bàn trọng điểm về cung cầu hàng hóa và địa bàn nông thôn, miền núi để đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa hoặc tăng giá đột biến.
Chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân
Để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, từ đầu Quý IV/2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa và các doanh nghiệp có tỷ trọng thương mại lớn, hệ thống phân phối rộng trên địa bàn đã chuẩn bị dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số doanh nghiệp có tỷ trọng thương mại lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm hiện tại, giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ Tết ước tính khoảng 19.911 tỷ đồng, tăng 25% so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (năm 2023 là 15.915 tỷ đồng).
Sở Công Thương Thanh Hóa cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả hàng hóa để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng mua sắm Tết |
Nhìn chung, hàng hóa dự tính sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh. Với hệ thống phân phối hàng hóa bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh, gồm: 389 chợ, 27 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và hơn 500 cửa hàng kinh doanh thực phẩm, bảo đảm sẽ phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh.
Nhất là thời gian qua, hệ thống siêu thị Winmart, cửa hàng Winmart (105 cửa hàng) của Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce, hệ thống siêu thị The City (06 siêu thị) của Công ty TNHH TM&DV The City Việt Nam, hệ thống siêu thị Miền Tây (11 siêu thị) của Công ty cổ phần Tập đoàn Miền Núi, siêu thị BigC (GO), siêu thị Co.opmart, siêu thị A&S, siêu thị Long Tơ… được đầu tư và đi vào hoạt động ổn định, sẽ là kênh phân phối, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, với giá cả ổn định trong suốt thời gian trước, trong và sau Tết, bảo đảm sẽ bình ổn thị trường giá cả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra bình thường; các doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn đã chủ động dự trữ các mặt hàng phục vụ Tết với nhiều mẫu mã, chủng loại; các chợ, siêu thị, cửa hàng bày bán đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, trong đó hàng hóa sản xuất trong nước chiếm đa số. Hiện tại, giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường nội tỉnh cơ bản ổn định.
Dự báo sức mua các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Giáp Thìn 2024 của người dân sẽ tăng khoảng 150% so với ngày thường |
Nói về nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Giáp Thìn của nhân dân, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa cho biết: “Dịp Tết nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng khoảng 150% so với ngày thường về các mặt hàng thiết yếu. Còn mặt hàng không thiết yếu chỉ tăng khoảng từ 30 đến 40%. Hiện hệ thống Siêu thị Co.opmart trên địa bàn cả nước nói chung và Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa nói riêng đã chuẩn bị đủ nguồn hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào cuối năm 2023 và dịp Tết Giáp Thìn 2024. Hàng hóa ở Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa chiếm khoảng trên 95% là hàng Việt Nam. Chúng tôi sẽ mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân đến chiều ngày 30 Tết và sẽ mở cửa trở lại phục vụ người dân vào ngày mùng 4 Tết Giáp Thìn 2024”.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Văn Khoa, Trưởng phòng Thương mại Sở Công Thương Thanh Hóa khẳng định: “Các hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân mua sắm Tết đã được các doanh nghiệp, các siêu thị trên địa bàn chuẩn bị từ đầu quý IV/2023. Thời gian tới, Sở cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả hàng hóa để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng mua sắm Tết”.