Thanh Hóa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp
Theo số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh này có 116 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, với hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động. Hàng năm, tổng doanh thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có doanh thu lớn nhất, khoảng 50% và giải quyết việc làm cho gần 16.000 lao động.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 116 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. |
Đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho thấy, bình quân thu nhập của các lao động làng nghề đạt từ 4 đến 12 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành liên quan; các địa phương đã và đang triển khai nhiều phiên chợ, hội chợ. Từ đó, giúp các đối tác sản xuất và kinh doanh gặp gỡ, ký kết thành công nhiều hợp đồng tiêu thụ, đưa sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của tỉnh có mặt ở các thị trường trong và ngoài nước.
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa xác định việc xúc tiến thương mại là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn; tạo ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất "bứt phá" trong sản xuất.
Nước mắm Hải Châu- sản phẩm tiểu thủ công nghiệp có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. |
Ông Nguyễn Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Hải Châu, địa chỉ tại phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Công ty chúng tôi thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức. Thông qua xúc tiến thương mại sản phẩm nước mắm Hải Châu của công ty tiêu thụ rất tốt. Nước mắm Hải Châu không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn ký kết bao tiêu ở nhiều, tỉnh thành trong cả nước. Xúc tiến thương mại là cơ hội tốt để quảng bá cũng như giới thiệu tới người tiêu dùng sản phẩm chất lượng đã được kiểm định.
Còn ông Dương Văn Tác, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Tác Huy, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Ba Làng cho hay: Thời gian qua, các cơ sở sản xuất trong làng nghề chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư ứng dụng công nghệ và cải tiến mẫu mã và được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đạt chứng nhận OCOP, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
"Chúng tôi ngày càng nhận được nhiều đơn hàng với số lượng lớn. Do đó, cơ sở chúng tôi phấn đấu tiêu thụ sản lượng tăng gấp đôi năm ngoái. Cùng với việc tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín đối với khách hàng, chúng tôi cũng tích cực tham gia nhiều phiên chợ, hội chợ để thúc đẩy quảng bá, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng” - ông Tác cho hay.
Nước mắm Tác Huy- thương hiệu nổi tiếng nước mắm Ba Làng, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa. |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Huy Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thời gian qua, Sở Công Thương đã tham mưu cho tỉnh triển khai nhiều chương trình hỗ trợ mở rộng thị trường, xúc tiến, quảng bá sản phẩm với sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Đây là dịp để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động.
"Tiêu thụ được sản phẩm là yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng sản phẩm của mỗi doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, hội chợ giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao sức cạnh tranh, để tiến tới xuất khẩu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp sang các thị trường nước ngoài" - ông Tuấn nhấn mạnh.