Chủ nhật 24/11/2024 07:45

Thanh Hóa: Những địa điểm du lịch tâm linh đầu xuân nổi tiếng

Thanh Hóa được đánh giá rất cao về du lịch tâm linh với nhiều chùa, đền, thiền viện,... Điều này thu hút một lượng lớn du khách tham quan, chiêm bái mỗi năm.

Xứ Thanh được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, được khám phá các địa điểm du lịch tâm linh ở Thanh Hoá sẽ giúp bạn hiểu hơn về lịch sử cũng như con người của nơi đây.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh

(Địa chỉ: xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)

Du xuân và tham gia vào không gian lễ hội tại di tích Lam Kinh. Ảnh: VHĐS

Lam Kinh là nơi mà anh hùng dân tộc Lê Lợi đã chọn dựng cờ để khởi nghĩa chống lại quân Minh xâm lược, đó cũng là nơi để thờ cúng các vị vua và hoàng hậu của triều đại Lê. Khu di tích Lam Kinh đặc trưng bởi nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang trong mình di sản văn hóa của cung đình và toàn bộ các bia ký, lăng mộ,... minh chứng cho sự phát triển văn hoá và kiến trúc của quốc gia.

Năm 1962, được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia và sau đó vào năm 2012 quần thể này được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Mỗi năm, vào dịp Tết Nguyên đán hàng ngàn du khách từ khắp nơi đổ về Lam Kinh để tham quan và dâng hương, cầu mong một năm mới tràn đầy sức khỏe, may mắn và thành công. Hay đến thăm khu di tích Lam Kinh vào dịp lễ hội từ 21 - 23 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Thiền Viện Trúc Lâm Hàm Rồng

(Địa chỉ: Đường Đồi C4, phường Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa)

Nhắc đến những ngôi chùa đẹp ở Thanh Hóa không thể bỏ qua Thiền Viện Trúc Lâm Hàm Rồng. Những người theo đạo Phật chắc chắn biết về ngôi chùa nổi tiếng này, nơi mà hàng năm thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Thiền Viện Trúc Lâm Hàm Rồng có một sự độc đáo và mới lạ hơn so với các ngôi chùa khác.

Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng là điểm du xuân hấp dẫn tại Thanh Hóa

Chùa Thanh Hà

(Địa chỉ: 34 Bến Ngự, phường Trường Thi, TP. Thanh Hóa)

Chùa Thanh Hà là địa điểm du xuân hấp dẫn tại TP. Thanh Hóa

Chùa Thanh Hà là một ngôi chùa có lịch sử lâu đời và đáng tự hào. Nguồn tài liệu lịch sử từ sách Thần phổ cổ lục và Thần tích Thanh Hóa đã ghi nhận rằng chùa đã xuất hiện từ thời Trần vào khoảng thế kỷ 13. Vào thời điểm này, vua Trần Thái Tông đã đến chùa Thanh Hà cầu xin trời đất trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành, khiến cho ngôi chùa trở thành một trong những điểm tâm linh quan trọng của vùng đất này.

Không chỉ là một ngôi chùa có lịch sử lâu đời và quan trọng về mặt tâm linh mà chùa Thanh Hà còn là một công trình kiến trúc độc đáo đậm chất Phật giáo Việt Nam.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, khuôn viên chùa Thanh Hà lại được trang hoàng với đèn lồng và nhiều loại hoa, tạo nên một không gian rực rỡ. Sự kiện này thu hút từ người già đến trẻ nhỏ, mọi người đến chùa với tâm trạng tôn nghiêm và mong muốn một năm mới may mắn, bình an và thịnh vượng.

Chùa Cao Hà Lĩnh

(Địa chỉ: Xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa)

Tại chùa Cao có xây dựng một cây cầu kính trong khuôn viên

Nằm trên ngọn núi Viễn Vông, Chùa Cao Hà Lĩnh mang đến một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và yên bình.

Chùa Cao Hà Lĩnh đang trong quá trình tái thiết và phát triển. Bạn có thể tham quan các công trình đang được xây dựng như tượng Phật 4 mặt cao hàng chục mét và check-in cầu kính. Điều này tạo ra những trải nghiệm chuyến du lịch tâm linh thú vị và độc đáo.

Chùa Bụt Hải Tiến

(Địa chỉ: Xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá)

Đây là một ngôi chùa mang trong mình trầm tích văn hóa từ 1.000 năm trước và được người dân lập một gian thờ Phật bên cạnh gian thờ Đức Thánh Cả Tô Hiến Thành

Chùa Bụt Hải Tiến nằm tại khu du lịch biển Hải Tiến ở Thanh Hóa, mặc dù là một ngôi chùa mới được khai trương từ năm 2020. Tuy vậy, nơi này đã thu hút sự quan tâm đông đảo từ du khách. Không những thế, địa điểm này cũng liền kề với bãi đá Hòn Bò nổi tiếng, địa điểm check in chụp ảnh được du khách yêu thích trong những năm gần đây.

Với vẻ đẹp nguy nga, nét cổ kính trầm mặc và không gian yên tĩnh, chùa Bụt Hải Tiến được biết đến là một trong những điểm đến tâm linh không thể bỏ qua. Khi ghé thăm chùa này, bạn không chỉ cảm nhận được sự bình yên và thư thái mà còn có cơ hội khám phá không gian tâm linh với kiến trúc độc đáo, rộng rãi và nguy nga, xen lẫn nét đẹp bình dị. Đứng từ chùa ngắm cảnh đẹp bát ngát xung quanh, bạn còn có thể nghe tiếng sóng biển vỗ về đầy thư giãn và an yên.

Chùa Sùng Nghiêm

(Địa chỉ: QL10, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá)

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh - tòa Tam bảo

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh là một di tích lịch sử - văn hóa có niên đại hàng nghìn năm tuổi. Ngôi chùa cổ này mang trong mình những giá trị văn hóa, kiến trúc và lịch sử quan trọng. Vì vậy, di tích này được xem là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Thanh Hóa.

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh là một tượng điển cho kiến trúc và nghệ thuật Phật giáo trong lịch sử Việt Nam. Nơi đây kết hợp giữa vẻ đẹp kiến trúc cổ điển và sự tinh tế trong trang trí, thể hiện sự phát triển của nghệ thuật trong thời kỳ Lý - Trần và sau này.

Chùa Đại Bi

(Địa chỉ: phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa)

Chùa Đại Bi, hay còn gọi là chùa Mật là một ngôi chùa cổ kính, được xây dựng dưới chân núi Kỳ Lân (một trong quần thể "Tứ linh"; Long - Ly - Quy - Phụng vòng cung các núi phía Tây bao quanh TP. Thanh Hóa).

Với những giá trị lịch sử văn hóa và kiến trúc quan trọng, quần thể chùa Đại Bi - núi Kỳ Lân đã được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng là cụm Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và đang được gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị linh thiêng, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương

Đền Cửa Đạt

(Địa chỉ: xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá)

Người dân nô nức đi đền Cửa Đạt cầu may đầu năm mới

Đây là ngôi đền lớn nhất ở miền Tây Thanh Hóa, được xây dựng để tưởng nhớ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn. Cầm Bá Thước là một tướng lĩnh quan trọng trong phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa vào cuối thế kỷ XIX. Ông đã có đóng góp lớn trong việc giúp dân và nước. Ông bị giặc Pháp xử tử vào năm 1895 khi ông mới 37 tuổi.

Người dân về đền Cửa Đạt ngoài yếu tố tâm linh, còn được ngắm nhìn khung cảnh núi non trùng điệp và dòng sông uốn lượn trong xanh; thưởng thức các đặc sản rừng núi như lá đắng, chuối rừng, ngô, sắn luộc…

Đặc biệt, du khách còn được ngắm nhìn công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt và trải nghiệm trên những chiếc thuyền độc mộc giữa lòng hồ Cửa Đạt mênh mông nước.

Thái miếu nhà Hậu Lê

(Địa chỉ: đường Kiều Đại, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hoá)

Thái miếu nhà Hậu Lê còn được gọi là Bố Vệ miếu hay đền Lê… được xây dựng theo phong cách kiến trúc Hậu Lê và thời Nguyễn, với các công trình: Nghinh môn, sân điện, tiền điện và hậu điện.

Thái miếu nhà Hậu Lê hiện thờ tự đầy đủ nhất 26 vị vua, các vị hoàng hậu, hoàng Thái hậu, Triệu tổ, Hiển tổ, Tuyên tổ cùng các vị vương công, đại thần, ban thờ chung các anh hùng nghĩa sĩ Lam Sơn…

Hằng năm, cứ vào ngày 21 và 22 tháng 8 Âm lịch, nguời dân xứ Thanh lại tổ chức các hoạt động lễ hội, dâng hương tại Lam Kinh, Thái miếu nhà Hậu Lê và Tượng đài Lê Lợi để bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân.

Đền Sòng Sơn

(Địa chỉ: Phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá)

Đền Sòng Sơn là Thánh đường thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong bốn vị Thánh bất tử của dân tộc Việt Nam

Đền Sòng Sơn trước đây còn được gọi là đền Sùng Trân. Đền Sòng được xây dựng vào thời Cảnh Hưng, dưới triều đại của vua Lê Hiển Tông (1740-1786). Có một câu chuyện truyền thuyết cho biết rằng, một ông lão đã cắm chiếc gậy tre khô xuống đất làng Cổ Đam và khấn rằng: "Nếu gậy tre này tươi tốt, hãy xây một đền thờ Liễu Hạnh công chúa". Đúng như lời tiên tri đó, gậy tre đã trở nên xanh tươi, phát triển rễ và chồi non, mang lại sự kỳ diệu.

Vì điều này được coi là một dấu hiệu linh thiêng, người ta đã xây dựng đền Sòng trên mảnh đất đó. Mỗi năm hội chính sẽ được tổ chức vào ngày 26/2 âm lịch cũng là ngày hiển linh và hiển thánh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Hiện nay, địa điểm du lịch tâm linh ở Thanh Hoá không chỉ là nơi người dân thực hiện các hoạt động tín ngưỡng mà còn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội.

Đền Độc Cước

(Địa chỉ: phường Trường Sơn, TP. Sầm Sơn, Thanh Hoá)

Đền Độc Cước Sầm Sơn được xây dựng để thờ Đức thánh Độc Cước

Đền thờ vị thần cùng tên, nằm trên đỉnh núi hòn Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ, gần bãi biển Sầm Sơn.

Nơi này được xây dựng trong thời nhà Trần và được trùng tu nhiều lần sau đó, có 40 bậc đá dẫn lên đền. Tượng thần Độc Cước được chạm từ gỗ và chỉ có một tay, một chân. Phía sau đền là Môn Lâu, xây dựng từ gỗ vào năm 1863. Năm 1962, đền Độc Cước được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia bởi Bộ Văn hóa và Thông tin Việt Nam.

Đền Cô Tiên

(Địa chỉ: phường Trường Sơn, TP. Sầm Sơn, Thanh Hoá)

Đền Cô Tiên thiêng liêng nằm trên cao ở biển Sầm Sơn

Ngôi đền nằm về phía Tây Nam, trên đỉnh đá hình đầu voi cuối dãy núi Trường Lệ. Đầu voi là địa danh thứ 5 trong hệ thống phân loại vùng dân gian.

Chùa Cô Tiên là một ngôi chùa linh thiêng không chỉ đẹp, mang nét cổ kính hàng ngàn năm mà đằng sau nó còn chứa đựng những câu chuyện truyền thuyết vô cùng thú vị và hấp dẫn, khiến bạn không thể bỏ qua.

Đền thờ Lê Lai

(Địa chỉ: Làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá)

Đền thờ Lê Lai được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Đây là điểm du lịch tâm linh ở Thanh Hoá mà bạn nên ghé thăm cùng với khu di tích Lam Kinh. Trung Túc Vương Lê Lai là một tướng quân tài ba thuộc nghĩa quân Lam Sơn, trong một lần bị quân thù bao vây không có lối thoát, ông đã cải trang làm Lê Lợi và hy sinh dũng cảm để bảo vệ sức mạnh cho nghĩa quân.

Để tưởng nhớ công ơn của ông, Lê Lợi đã cho xây dựng đền thờ ông ở làng Tép (quê hương của ông) và ra lệnh cho quân thần tổ chức lễ giỗ của Lê Lai trước ngày lễ giỗ của mình một ngày. Ngày nay, sau nhiều lần tu sửa, đền thờ Lê Lai ngày càng trở nên tráng lệ và đẹp mắt hơn.

Ngoài lễ giỗ theo ý Lê Lợi vào ngày 21/8 âm lịch, hội đền Lê Lai chính thức được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch. Đây là một ngày lễ trọng đại của cộng đồng địa phương, thu hút hàng ngàn du khách đến dâng hương và tham gia lễ tế.

Đền thờ Bà Triệu

(Địa chỉ: QL1A, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá)

Đền Bà Triệu Thanh Hóa - Đền thờ nữ tướng Triệu Thị Trinh gần 2.000 năm tuổi

Khi bạn bước chân đến ngôi đền này, bạn sẽ cảm nhận được lối kiến trúc truyền thống của vùng Đồng bằng Bắc Trung Bộ. Ngôi đền này chứa đựng nhiều cổ vật và hiện vật đặc biệt quý hiếm từ thời xa xưa cho đến những câu chuyện truyền thống, ca dao và huyền thoại,...

Không chỉ có vậy, cảnh quan tại đây cũng hài hòa với thiên nhiên và kiến trúc độc đáo. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp cổ kính, thiêng liêng và bình yên đáng kinh ngạc. Khi đến địa điểm du lịch tâm linh ở Thanh Hoá này, bạn chắc chắn sẽ được thả hồn vào một nơi yên bình và cảm nhận sự thanh thản trong tâm hồn của mình.

Đền thờ Mai An Tiêm

(Địa chỉ: xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa)

Ở vùng đất Nga Sơn, Thanh Hóa, có một ngôi đền thờ ông tổ của nghề trồng dưa hấu, đó là đền thờ Mai An Tiêm

Ngôi đền này chứa đựng một câu chuyện dân gian được lưu truyền suốt ngàn đời. Mai An Tiêm là người đã có công trong việc xây dựng và phát triển đất Nga Sơn từ thuở khai thiên lập địa và dưa hấu Mai An Tiêm là một đặc sản nổi tiếng của vùng Nga Sơn. Hằng năm, lễ hội Mai An Tiêm diễn ra vào khoảng tháng 12-15 âm lịch với nhiều hoạt động thú vị.

Đền thờ Lê Hoàn

(Địa chỉ: Làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)

Đền thờ Lê Hoàn là một công trình kiến trúc gỗ được xây dựng từ thế kỷ XVII, còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn đến nay

Đền Lê Hoàn ở ngôi làng hàng trăm năm tuổi - nơi sinh ra vị khai quốc của Triều Tiền Lê hiển hách trong lịch sử dân tộc - Hoàng đế Lê Đại hành. Hiện tại, ngôi đền này vẫn còn tồn tại ở cuối làng và được coi là một trong những ngôi đền cổ nhất ở Thanh Hóa và được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.

Qua nhiều biến cố lịch sử và sự tác động của thiên nhiên, ngôi đền đã được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp kiến trúc cổ kính. Đặc biệt, ngôi đền còn lưu giữ những tài liệu và hiện vật cổ xưa. Ngày nay, tại ngôi đền này vẫn còn hiện diện hai tấm bia được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XVII.

Đền Trần Thanh Hóa

(Địa chỉ: Thôn Thổ Khối, xã Yên Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa)

Đền thờ Trần Hưng Đạo nằm bên bờ phía bắc sông Tống Giang, ngoảnh mặt về hướng Nam. Tính đến nay, ngôi đền đã có lịch sử xây dựng gần 700 năm và trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Không chỉ được biết đến là Di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng trong cả nước mà nơi đây còn là địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn du khách thập phương mỗi khi đặt chân đến tỉnh Thanh Hóa.

Đền thờ Trần Hưng Đạo gắn liền với những huyền tích và dấu ấn của Anh hùng dân tộc Hưng đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 vào năm 1285. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ công lao của Hưng đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhân dân làng Thổ Khối lập đền thờ ông. Năm 1996, ngôi đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Chí Tâm
Bài viết cùng chủ đề: Chùa Cao Hà Lĩnh

Tin cùng chuyên mục

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 3: Khơi thông nguồn lực phát triển

Nhận định bóng đá Man City và Tottenham, 00h30 ngày 24/11, Ngoại hạng Anh 2024/2025

Di sản văn hoá: Định hình bản sắc, thúc đẩy phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 23/11, rạng sáng 24/11: Tâm điểm Man City và Tottenham, vòng 12 Ngoại hạng Anh

Lai Châu: Khai mạc Lễ hội PuTaLeng “Về miền Đỗ Quyên”

Thị trường đồ trang trí Noel 2024: Đa dạng mẫu mã, không biến động giá

Khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch Lai Châu tại TP. Đà Nẵng năm 2024

Nhiều đổi mới tại giải Vô địch các câu lạc bộ Võ cổ truyền quốc gia lần thứ XIII

Xúc tiến, liên kết phát triển du lịch Đà Nẵng - Lai Châu

Khai mạc 'Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng' năm 2024

TP. Hồ Chí Minh: Đón hơn 39,3 triệu lượt khách du lịch, thu gần 174.000 tỷ đồng

Quảng Nam: Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn của UN Tourism sẽ diễn ra từ 9 – 11/12

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới-Bài 2: Cộng đồng 'hạt nhân' bảo tồn di sản

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Bayern Munich và Augsburg, 2h30 ngày 23/11, Bundesliga 2024/2025

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 22/11, rạng sáng 23/11: Đại chiến PSG và Toulouse tại Ligue 1

Sôi động các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tại Quảng Ninh

Cà Mau: Khai mạc Hội đua vỏ lãi tại thị trấn biển lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long

Lai Châu: Khai mạc Giải thi đấu dù lượn đường trường PuTaLeng

Triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 21/11, rạng sáng 22/11