Thanh Hóa: Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng mạnh
10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,84%
Đại diện Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. Theo số liệu của ngành thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 10 vẫn tăng 4,21% so với tháng trước, tăng 21,98% so với tháng cùng kỳ.
Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 6,08% so với tháng trước, tăng 29,01% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,72% so với tháng trước, tăng 20,7% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 3,35% so với tháng trước, tăng 47,49% so với tháng cùng kỳ… Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 15,84% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của ngành Công Thương, sở dĩ sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục đạt kết quả khả quan, ngoài việc duy trì sản xuất đồng đều nói chung ở các ngành sản xuất, thì thành quả này có được còn do sự bứt phá của một số ngành công nghiệp chủ lực. Trong bối cảnh nguồn cung đầu vào, lưu thông hàng hóa và thị trường tiêu thụ gặp khó, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động, nỗ lực trong các phương án tìm kiếm thị trường, nguyên liệu, điều tiết và tái cơ cấu sản xuất để đạt được kết quả cao.
Tính chung 10 tháng năm 2021, nhiều sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ghi nhận sự tăng trưởng mạnh |
Cụ thể, các sản phẩm lọc dầu, dầu ăn, xi măng, hàng may mặc, giày da và các vật liệu xây dựng là những sản phẩm đạt được những bước tăng trưởng tốt trong năm 2021. Trong tháng 10, xăng các loại sản xuất đạt 221.500 tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ; dầu diesel 328.600 tấn, tăng 11,5% so tháng cùng kỳ; xi măng đạt 1,54 triệu tấn, tăng 6,2% so tháng trước, tăng 14% so tháng cùng kỳ; sắt thép 150.200 tấn, tăng 0,6% so tháng trước và tăng 16,4% so tháng cùng kỳ…
Tính chung 10 tháng năm 2021, nhiều sản phẩm công nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, như: Dầu ăn tăng gấp 2 lần, sắt thép tăng 87%, clinker tăng 42%, quần áo may sẵn tăng 21,4%, giày da tăng 28,8%... Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 dự kiến tăng 1,59% so với tháng trước, tăng 14,09% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,58% so với cùng kỳ.
Đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đại diện Sở Công Thương cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất công nghiệp. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, an toàn sản xuất và sức khỏe cho người lao độn, một số ít DN công nghiệp đã phải tạm ngừng sản xuất để thực hiện công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Số còn lại, các DN đều bảo đảm phương án “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động sản xuất. Đặc biệt, do làm tốt công tác phòng dịch, sau một thời gian ngắn, hoạt động sản xuất tại các nhà máy đã ổn định trở lại.
Tạo bước đột phá sản phẩm công nghiệp chủ lực
Để tạo sự đột phá, thúc đẩy sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, đóng góp cao vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa ban hành quyết định về việc thành lập ban chỉ đạo phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Ban chỉ đạo sẽ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp như chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình hoạt động của DN tại các khu vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh để triển khai các kế hoạch, thông qua phương án sản xuất, kinh doanh và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất, kinh doanh.
“Với nguyên tắc “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, sẽ góp phần giúp các DN trên địa bàn tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt, các sản phẩm công nghiệp chủ lực sẽ được ưu tiên chỉ đạo, tạo thuận lợi về thị trường để phát triển bền vững” – đại diện Sở Công Thương tỉnh cho hay.
Ban Chỉ đạo cũng sẽ chủ động nắm bắt tình hình, thống nhất chủ trương về phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa trong tình hình mới; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN tại các khu vực sản xuất công nghiệp vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 an toàn.
Theo Sở Công Thương tỉnh, hiện nay, trong kế hoạch dài hơi, để nâng cao giá trị ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh nhằm khai thác tối đa lợi thế của tỉnh trong mạng lưới sản xuất vùng duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Hồng và cả nước. Thanh Hóa cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ, hướng tới xuất khẩu, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.