Thanh Hóa: Lấn 6,2 ha bờ biển, Công ty xi măng Công Thanh bị xử phạt 210 triệu đồng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã ký Quyết định số 380/QĐ-XPHC ngày 31/1/2023 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần xi măng Công Thanh vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Sử dụng khu vực biển khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển.
Cụ thể: Công ty cổ phần xi măng Công Thanh đã đổ đất đắp đê bao quanh khu vực biển có diện tích khoảng 6,2 ha tại xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn khi không có quyết định giao khu vực biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hành vi vi phạm được lập Biên bản ngày 22/8/2022 và xác minh làm rõ tại Biên bản kiểm tra ngày 27/10/2022 của liên ngành: Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh, UBND thị xã Nghi Sơn và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Công ty Cổ phần xi măng Công Thanh bị xử phạt hành chính 210 triệu đồng vì tự ý đổ đất đắp đê lấn chiếm 6,2 ha bờ biển. |
Căn cứ quy định tại: Điểm c, Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; Khoản 19, Điều 3 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ số điều của Nghị định số 162/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa, Chủ tịch UND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 210 triệu đồng đối với Công ty cổ phần xi măng Công Thanh.
Ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính 210 triệu đồng, Công ty cổ phần xi măng Công Thanh còn phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của khu vực biển đã đổ đất đắp đê, đồng thời nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Công ty cổ phần xi măng Công Thanh có công suất trên 6 triệu tấn/năm tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa từ năm 2015. Tại thị xã Nghi Sơn và địa bàn khác của tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp này cũng mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác như dự án du lịch, cảng biển ... Tuy nhiên, nhiều dự án của công ty này bị chậm tiến độ, phải gia hạn. Mới đây, theo kết quả khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa về tình hình nợ lương năm 2022 của doanh nghiệp cho thấy, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, có 3 doanh nghiệp chưa giải quyết tiền lương cho hơn 500 lao động, với số tiền lương còn nợ là hơn 4,2 tỷ đồng do doanh nghiệp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động. Trong đó, Công ty cổ phần xi măng Công Thanh tạm dừng hoạt động từ đầu tháng 12/2022, nợ lương của hơn 460 người lao động từ tháng 11/2022 với số tiền nợ khoảng 4 tỷ đồng. |