Thứ sáu 03/01/2025 02:41

Thanh Hóa: Di dời người dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở, lên phương án ứng phó vùng áp thấp

Tỉnh Thanh Hóa đã di dời hàng trăm người dân và học sinh ra khỏi khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, đồng thời lên phương án ứng phó với vùng áp thấp.

Do hoàn lưu của cơn bão số 3 và bão số 4, trong nhiều ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to, nhiều nơi mưa rất to, khiến nhiều khu vực ở các huyện miền núi có nguy cơ cao sạt lở đất. Các cơ quan chức năng, các địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương di dời hàng trăm người dân và học sinh ra khỏi khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, đồng thời lên các phương án nhằm ứng phó với vùng áp thấp đang chuẩn bị ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thanh Hóa trong vài ngày tới.

Triển khai các phương án ứng phó với vùng áp thấp

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 21-22/9/2024, rãnh áp thấp có khả năng hình thành vùng áp thấp ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc biển Đông và vịnh Bắc Bộ. Từ ngày 22-23/9/2024, một đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, khả năng xuất hiện mưa to diện rộng ở phía Đông Bắc Bộ và từ Thanh Hoá đến Quảng Bình.

Lực lượng chức năng của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa di dời người dân ra khỏi vùng lũ lụt trong những ngày mưa lớn vừa qua. Ảnh: Hoàng Minh

Để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết nguy hiểm và mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các phương án ứng phó với vùng áp thấp.

Theo đó, đối với trên biển, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đề nghị theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết nguy hiểm trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đối với trên đất liền, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để khơi thông dòng chảy; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương và các đơn vị liên quan lên phương án ứng phó với vùng áp thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Minh.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị liên quan, tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.

Di dời người dân và học sinh ra khỏi nơi có nguy cơ cao sạt lở

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương vào chiều ngày 21/9, ông Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong nhiều ngày qua, trên địa bàn huyện Bá Thước đã xảy ra mưa lớn kéo dài, khiến các xã Thiết Kế, Văn Nho, Thành Lâm xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Lãnh đạo huyện Bá Thước đã chỉ đạo các xã cùng các lực lượng chức năng khẩn trương triển khai thực hiện các phương án di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Lực lượng Quân đội, Công an của huyện Bá Thước di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trong đợt lũ vừa qua. Ảnh: Hoàng Minh.

"Trong 3 đợt, huyện Bá Thước đã phải di dời 161 hộ đến nơi ở an toàn, hiện nay chúng tôi đang giao lực lương chức năng giám sát để người dân không bỏ về nhà sẽ rất nguy hiểm"- Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Ngọ Đình Hải cho biết.

Hiện nay, huyện Bá Thước đã yêu cầu các xã phân công lực lượng trực tại vị trí sạt trượt, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, cắm biển cảnh báo đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông; chuẩn bị sẵn sàng thiết bị, máy móc, nhân công để kịp thời xử lý khi có ách tắc giao thông. Khuyến cáo người dân không vào khu vực xuất hiện vết nứt và di dời người, tài sản đến nơi an toàn.

Còn tại huyện Lang Chánh, mưa lớn kéo dài đã khiến công trình nhà lớp học 2 tầng đang xây dựng tại Trường THCS Lâm Phú bị hư hỏng nặng do sạt lở. Để đảm bảo an toàn cho 276 học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý, Trường THCS Lâm Phú đã tạm dừng hoạt động giáo dục, di dời toàn bộ tài sản đến nơi an toàn.

Toàn bộ 276 học sinh, giáo viên cán bộ quản lý và trang thiết bị dạy học của Trường THCS Lâm Phú đã được di dời đến nơi an toàn. Ảnh: Hoàng Minh.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Để bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên và bảo vệ trang thiết bị nhà trường, huyện đã di dời toàn bộ khối lớp 6 của trường sẽ học ở điểm chính Trường Tiểu học Lâm Phú; các khối 7, 8, 9 học tại khu Buốc của Trường Tiểu học Lâm Phú. Trong sáng ngày hôm nay 21/9, học sinh đã trở lại các điểm đã bố trí để tiếp tục học bình thường".

Hoàng Minh
Bài viết cùng chủ đề: vùng áp thấp