Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Hiệu quả từ kinh phí "mồi"
Năm 2023, Công ty TNHH Sáng Linh Thái Nguyên (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên hỗ trợ 140 triệu đồng để thực hiện đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất vật liệu xây dựng".
Sự hỗ trợ này đã giúp công ty đầu tư mua mới hệ thống máy móc gồm: Máy xẻ YITAI model ZDQJ-600; Máy mài, phào tự động… phục vụ cắt tạo dáng và hoàn thiện sản phẩm đá.
Các đề án khuyến công đã phát huy tốt hiệu quả. Ảnh: Bùi Việt |
Bà Tạc Thị Linh, Giám đốc Công ty TNHH Sáng Linh Thái Nguyên cho biết, nhờ ứng dụng hệ thống máy móc tiên tiến nên năng suất lao động đã được tăng lên gấp nhiều lần so với trước đây, đồng thời cải thiện được điều kiện làm việc của công nhân, tiết kiệm điện năng, cũng như giảm được nguyên liệu đầu vào.
Đặc biệt, sản phẩm đá làm ra đã đạt được chất lượng tối ưu, có độ bóng cao, màu sắc đá thành phẩm đồng đều, độ dày của đá được đảm bảo nên đã có rất nhiều khách hàng tin tưởng đến công ty đặt hàng số lượng lớn.
"Công ty luôn xác định phải đầu tư nâng cấp thiết bị máy móc tiên tiến nhằm nâng cao năng suất. Trong điều kiện doanh nghiệp mới thành lập, kinh phí hạn hẹp và sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn thì nguồn hỗ trợ khuyến công để mua sắm máy móc có ý nghĩa rất quan trọng", bà Linh khẳng định.
Còn đối với Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP Gốc Gạo (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương), với tổng kinh phí đầu tư hơn 400 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 200 triệu đồng, cơ sở đã mua sắm hoàn thiện 75 máy vò chè Inox để phục vụ cho quá trình chế biến sản phẩm chè.
Tổ trưởng Lê Văn Chính cho biết, kết cấu máy vững chắc, mâm vò bằng gỗ kết hợp với răng Inox đã tạo ra sản phẩm chè có cánh nhỏ, đẹp, không bị vụn nát. Máy vò tạo ra độ săn của chè, giúp chè tươi lâu và búp chè được săn lại, tạo độ cong, giúp năng suất chế biến được tăng lên rõ rệt.
"Trong quá trình sản xuất, máy vò chè còn giúp đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm làm ra và giá trị tăng lên từ 20 - 25% so với phương pháp thủ công", ông Chính cho hay.
Các đơn vị đã mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng hiệu quả hệ thống máy móc, thiết bị được đầu tư mới. Ảnh: Quang Huy |
Cũng là một trong những đơn vị được thụ hưởng các ưu đãi từ chính sách khuyến công, ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã miến Việt Cường (thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ) cho biết, việc được hỗ trợ một máy lọc bột ly tâm đã giúp giảm 5 nhân công trong công đoạn lọc bột.
Theo ông Ba, máy mới có khả năng lọc sạn, làm sạch bột nhanh hơn hẳn, trung bình khoảng 6 tấn bột/ngày. Từ đó, một số nhân công được chuyển sang các công đoạn khác, giúp tăng sản lượng các sản phẩm, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm.
Trên đây chỉ là một số trường hợp được nhận hỗ trợ từ chương trình khuyến công. Trong năm 2023, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện và hoàn thành 28 đề án trong lĩnh vực khuyến công, với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng.
Trong đó có 3 đề án khuyến công quốc gia, với kinh phí 3 tỷ đồng, hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào chế biến nông, lâm sản và sản xuất cơ khí; 23 đề án khuyến công địa phương, với kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng, hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất trong các nhóm ngành: Chế biến lâm sản, nông sản; cơ khí; vật liệu xây dựng…
Nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp nông thôn
Phát triển công nghiệp trên địa bàn nông thôn đã và đang được Đảng, Nhà nước và các địa phương hết sức quan tâm, là hướng đi đúng đắn, tích cực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn và góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tham gia 2 gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tại tỉnh Hậu Giang |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Thế Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên) cho biết, chương trình khuyến công trong thời gian qua đã góp phần tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo và giải quyết việc làm ổn định cho một lực lượng lao động ở nông thôn, góp phần tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Để tạo ra sức hút đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, Trung tâm cũng đã chủ động xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại nội địa cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; tham gia các phiên chợ kết nối cung cầu và các hội nghị giao thương; đánh giá các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…
"Thông qua hoạt động khuyến công, đã tác động tích cực đến cơ sở công nghiệp nông thôn chủ động ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, giảm nhân công lao động, tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời chú trọng, quan tâm hơn đến các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ", ông Tiến đánh giá.
Cũng theo ông Tiến, với phương châm hỗ trợ có trọng điểm, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng các đề án khuyến công mang tính đồng bộ; chú trọng lựa chọn, hỗ trợ xây dựng các mô hình chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác khuyến công; phối hợp lồng ghép chương trình khuyến công với thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu khác nhằm gia tăng nguồn lực thực hiện. Các đơn vị được thụ hưởng nguồn vốn cần khai thác và phát huy một cách hiệu quả dây chuyền máy móc, thiết bị đã được hỗ trợ để hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển...