Thái Nguyên quyết liệt gỡ vướng trong phát triển cụm công nghiệp
Tận dụng lợi thế có quy mô diện tích không lớn, vốn đầu tư hạ tầng vừa phải, phù hợp với các doanh nghiệp vừa, nhỏ, công nghệ cao, sử dụng ít lao động, quản lý môi trường tập trung, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã phát triển hàng chục cụm công nghiệp, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế.
Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 27/41 cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng. Trong đó, 11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và thu hút 62 dự án đầu tư.
Cụm công nghiệp Nguyên Gon ở phường Cải Đan, TP. Sông Công được đầu tư mở rộng với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. (Ảnh: T.L) |
Theo đánh giá của /chu-de/so-cong-thuong-thai-nguyen.topic, việc phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn đã tạo quỹ đất sạch, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện dự án sản xuất - kinh doanh; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Từ đó đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư sản xuất theo hướng tập trung, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng việc thành lập và phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc.
Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định số 32) có hiệu lực từ ngày 1/5/2024 đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này.
Một trong những điểm nổi bật của Nghị định số 32 là quy định chi tiết việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với các cụm công nghiệp mới thành lập.
Theo đó, ngân sách địa phương cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm (ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các cụm đã đi vào hoạt động; các công trình hạ tầng kỹ thuật chung thiết yếu của cụm tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, cụm phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên ngành, hỗ trợ, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống) theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.
Nghị định cũng đã giao UBND cấp tỉnh căn cứ thẩm quyền, quy định của pháp luật quyết định việc điều chỉnh nội dung/bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Trần Anh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp và Năng lượng (Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên) đánh giá, Nghị định số 32 đã tháo gỡ những rào cản về điều kiện thành lập theo hướng đơn giản, linh hoạt, tạo cơ sở pháp lý về điều kiện thành lập đối với nhiều cụm công nghiệp.
Tích cực triển khai Nghị định, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh liên tục tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp về việc triển khai thực hiện Nghị định số 32; đồng thời tham mưu cho tỉnh kiện toàn thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định hiện hành....