Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 'vượt khó', đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chia sẻ: “Trong 8 tháng năm 2024, với sự chỉ đạo sát sao, sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng, yêu cầu các công việc, nhiệm vụ trọng tâm trong 8 tháng năm 2024 về mọi mặt công tác”.
Ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex phát biểu tại hội nghị. Ảnh Cấn Dũng |
Báo cáo thành tích đã đạt được trong 8 tháng đầu năm 2024, ông Thanh cho biết, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thứ nhất, Tập đoàn đã thực hiện tốt vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện bình ổn thị trường xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hệ thống phân phối trong mọi tình huống, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và công tác an ninh an toàn.
Thứ hai, vừa qua, khu vực miền Bắc nước ta đã trải qua cơn bão Yagi và ngay sau đó là trận lũ lụt lịch sử, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, kinh tế xã hội các tỉnh phía Bắc. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn đã chủ động, quyết liệt trong việc ứng phó và nhanh chóng tổ chức khắc phục hậu quả sau bão, lũ, nhằm hạn chế tối đa rủi ro về người và tài sản, đảm bảo không để gián đoạn, thiếu hụt nguồn cung trước, trong và sau sự cố thiên tai.
Hầu hết các cửa hàng xăng dầu Petrolimex đã hoạt động trở lại ngay sau bão, các hoạt động tạo nguồn, cung cấp nguồn cho tuyến sau được Tập đoàn nhanh chóng khắc phục, duy trì.
Thứ ba, Tập đoàn đã hoàn thành vượt tiến độ kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 với kết quả đạt ấn tượng như tổng sản lượng xuất bán hợp nhất toàn Tập đoàn 8 tháng năm 2024 đạt 10.369.171 m3, tấn tăng 6% so với cùng kỳ 2023 và đạt 79% kế hoạch năm. Trong đó, tổng xuất bán nội địa đạt 6.997.090 m3, tấn đạt 70% kế hoạch năm; Bán lẻ đạt 4.888.942 m3, tấn tăng 4% so với cùng kỳ 2023. đạt 71% kế hoạch năm, chiếm 70% tổng sản lượng bản nội địa.
Cùng với đó, doanh thu hợp nhất đạt 197.000 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch năm; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.950 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch năm. Trong đó, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 22.850 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương “gỡ khó”
Ngoài những kết quả đạt được, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng có loạt đề xuất, kiến nghị tới Bộ Công Thương để “gỡ khó” giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn và đầy thách thức.
Thứ nhất, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Dự trữ xăng dầu lưu thông để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong thị trường xăng dầu.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 51 về nguyên tắc bảo quản hàng dự trữ quốc gia – Luật dự trữ quốc gia số 22/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11/2012 đối với việc bảo quân mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia. Theo đó, cho phép các Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được giao nhiệm vụ bảo quản hàng dự trữ quốc gia được chứa chung với hàng kinh doanh của doanh nghiệp.
Toàn cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn với Bộ Công Thương. Ảnh Cấn Dũng |
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đề xuất đầu tư hệ thống kho dự trữ quốc gia theo quy hoạch đã phê duyệt, di chuyển dự trữ quốc gia đến các kho còn dư sức chứa để đảm bảo cung ứng kịp thời. Những biện pháp này nhằm mục đích đảm bảo tính độc lập, chủ động và linh hoạt trong việc dự trữ xăng dầu, đáp ứng nhu cầu xã hội một cách kịp thời và hiệu quả.
Thứ hai, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đề xuất hỗ trợ huy động nguồn lực để triển khai các dự án chuyển dịch xanh, bao gồm xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo về chuyển dịch năng lượng xanh kết hợp trạm dịch vụ năng lượng, đầu tư nâng cấp nhà máy sản xuất thiết bị chuyên dụng cho hydro, thí điểm trạm tiếp nhiên liệu hydro tại các cửa hàng xăng dầu, thí điểm lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại các cơ sở của Tập đoàn, và liên doanh xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học và nhiên liệu hàng không bền vững.
Những dự án này nằm trong khuôn khổ sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) 2024, nhằm mục đích thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh và phát triển năng lượng bền vững.
Cuối cùng, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và hiện thực hóa mục tiêu không phát thải Carbon vào năm 2050, ông Phạm Văn Thanh đề xuất Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan triển khai các biện pháp đồng bộ, bao gồm xây dựng và ban hành cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển điện mặt trời áp mái để tự sản, tự tiêu; ban hành các quy chuẩn, quy định đồng bộ về thủ tục thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy trên toàn quốc đối với các dự án lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các kho, cảng và cửa hàng xăng dầu.
Petrolimex, với vai trò tiên phong, đã triển khai lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các cơ sở của Tập đoàn từ năm 2020 và đặt mục tiêu mở rộng quy mô toàn hệ thống trong giai đoạn 2024-2030. Tuy nhiên, quá trình triển khai diện rộng này đang gặp phải một số khó khăn do sự thiếu đồng bộ trong các quy chuẩn, quy định về phòng cháy chữa cháy.
Do đó, Tập đoàn kiến nghị Bộ Công Thương rà soát và sửa đổi các tiêu chuẩn liên quan đến kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ (TCVN 5307:2009) và cửa hàng xăng dầu (QCVN số 01:2020/BCT) để giải quyết những vướng mắc trong thi công công trình xăng dầu, bao gồm các vấn đề về vật liệu chống cháy, kết cấu và vật liệu khu vực mái che cột bơm.
Những biện pháp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Petrolimex và các doanh nghiệp khác triển khai các dự án điện mặt trời áp mái, góp phần thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.