Tăng trưởng kinh tế thấp, Đà Nẵng khó đạt mục tiêu của năm 2023
Phần lớn các ngành kinh tế có xu hướng giảm
Cục Thống kê TP. Đà Nẵng cho biết, kinh tế thành phố quý III/2023 tiếp tục có nhiều khó khăn. Ngoại trừ lĩnh vực du lịch, phần lớn các ngành kinh tế có xu hướng giảm điểm so với cùng kỳ, kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của quý chỉ đạt 2,19% so với cùng kỳ năm 2022.
Kinh tế Đà Nẵng 9 tháng đầu năm tăng trưởng 2,83% so với cùng kỳ 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng GRDP cùng kỳ năm 2022 |
Tốc độ tăng trưởng tiếp tục đi lùi của quý III/2023 dẫn đến 9 tháng đầu năm, GRDP Đà Nẵng ước chỉ tăng 2,83% so với cùng kỳ 2022, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 12,8% của cùng kỳ năm 2022 (GRDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 12,8% so với năm 2021).
Quy mô nền kinh tế 9 tháng theo giá hiện hành ước đạt 97.581 tỷ đồng, mở rộng gần 7.088 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất, chiếm 6.412 tỷ đồng; trong khi đó, khu vực công nghiệp – xây dựng thu hẹp hơn 24 tỷ đồng (do lĩnh vực công nghiệp tăng 413 tỷ đồng mà xây dựng lại giảm 437 tỷ đồng).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) TP. Đà Nẵng tháng 9/2023 tăng 3,5% so với tháng 8/2023, và tăng 5,8% so với tháng 9/2022. Đây là tín hiệu phục hồi tích cực duy nhất kéo IIP cả quý thoát giảm sâu.
IIP Đà Nẵng quý III/2023 giảm 0,9% so với quý II/2023 và giảm 1,8% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo – lĩnh vực công nghiệp chủ lực (chiếm hơn 90% tổng giá trị ngành công nghiệp thành phố) giảm tới 3,1% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng âm 3,5%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 5,1% so với cùng kỳ 2022 với 11/20 ngành có chỉ số tiêu thụ giảm. Trong đó, có một số nhóm ngành chủ chốt có chỉ số giảm sâu như sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 55,6%; công nghệ chế biến chế tạo khác giảm 44,2%....
Xuất khẩu Đà Nẵng 9 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 1,4 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022 |
Chỉ số tiêu thụ giảm, sản xuất cầm chừng dẫn tới chỉ số tồn kho tiếp tục tăng cao. Chỉ số tồn kho tại thời điểm cuối tháng 9/2023 ước tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, các tín hiệu sản xuất không mấy khả quan trên cũng dẫn tới chỉ số sử dụng lao động 9 tháng đầu năm giảm 6,6% so với cùng kỳ.
Thương mại bán lẻ, bán buôn tăng trưởng không đáng kể; xuất khẩu hàng hóa quý III/2023 và 9 tháng đầu năm 2023 tiếp tục giảm khá sâu so với cùng kỳ 2022.
Khó khăn đơn hàng, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng
Ghi nhận đến cuối tháng 9/2023, tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến số doanh nghiệp thành lập mới tại TP. Đà Nẵng giảm đáng kể, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại tiếp tục tăng.
So với cùng kỳ năm 2022, trong tháng 9/2023, có 312 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện mới được thành lập, với tổng vốn đạt hơn 1.200 tỷ đồng; giảm 9,5% về số doanh nghiệp và giảm 5,8% về vốn. Từ đầu năm 2023 đến 15/9, có 3.119 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện mới được thành lập tại Đà Nẵng, với tổng vốn đăng ký hơn 13.100 tỷ đồng; giảm 10,1% về số doanh nghiệp và giảm 25% về vốn. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động cũng giảm mạnh tới 24,6%. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động lên tới 3.460 đơn vị, tăng 16,8%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2023 cũng tiếp tục phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp khi 32% doanh nghiệp cho biết tình hình sản xuất kinh doanh của quý III/2023 khó khăn hơn (34,7% cho biết là ổn định, 33,3% cho biết là tốt hơn) nhưng lại có tới 38,9% doanh nghiệp lại nhận định tình hình sản xuất quý IV/2023 sẽ khó khăn hơn và kéo dài sang năm 2024 (trong khi 25% doanh nghiệp cho rằng kinh doanh ổn định và 36,1% doanh nghiệp kỳ vọng sản xuất sẽ tốt hơn).
Trong số này, 41% doanh nghiệp tư nhân (ngoài nhà nước) tin tưởng vào tình hình kinh doanh sẽ dẫn được cải thiện nhờ các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ; và chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp FDI lạc quan kinh doanh sẽ phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi.
Nhiều doanh nghiệp TP. Đà Nẵng đánh giá kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn kéo dài sang năm 2024, để tồn tại các đơn vị sẽ "thắt lưng buộc bụng", tiết giảm chi phí tối đa |
Ông Nguyễn Thành Minh – Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Thịnh Lợi (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty quý III/2023 và dự kiến quý IV/2023 sẽ có nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng. “Bình thường đến quý III, quý IV sẽ có những mẫu hàng mới cho năm 2024 nhưng năm nay chúng tôi vẫn sản xuất với đơn hàng mẫu cũ và sản xuất cầm chừng. Với tình hình như hiện tại dự kiến chúng tôi khó có thể về đích mục tiêu kinh doanh của năm 2023 và khả năng còn thấp hơn nhiều so với kết quả kinh doanh của năm 2022”, ông Minh nói.
Theo ông Phạm Văn Bình – Đại diện Công ty TNHH Khả Tâm (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), trong bối cảnh hiện tại việc tìm kiếm đơn hàng mới là khá khó khăn đối với doanh nghiệp. Vì vậy doanh nghiệp phải cố gắng để tối ưu hóa chi phí sản xuất thấp nhất (nhưng đảm bảo chất lượng sản phẩm) ở tất cả các công đoạn như vật tư đầu vào, sản xuất với công nghệ cao hơn để giảm sai sót trong sản xuất, giảm hao hụt nguyên liệu, có như vậy giá cả mới cạnh tranh và duy trì được sản xuất.
Hồi cuối tháng 9/2023, Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 từ 6,5% (dự báo ban đầu) xuống còn 5,8% cho thấy kinh tế Việt Nam nói riêng, kinh tế thế giới nói chung sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn. Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP năm 2023 tăng trưởng 6,5 - 7%. Mức tăng GRDP qua 9 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 2,83%, do đó đã gần như chắc chắn thành phố sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra, thậm chí còn cách mục tiêu rất xa. |