Tăng lương tối thiểu vùng: Có phải tất cả người lao động đều được tăng lương?
Theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng, áp dụng từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu tháng tại 4 vùng được quy định như sau: Vùng I: tăng 280.000 đồng, từ 4.680.000 đồng/tháng lên 4.960.000 đồng/tháng; Vùng II: tăng 250.000 đồng, từ 4.160.000 đồng/tháng lên 4.410.000 đồng/tháng; Vùng III: tăng 220.000 đồng từ 3.640.000 đồng/tháng lên 3.860 đồng/tháng; Vùng IV: tăng 200.000 đồng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.450.000 đồng/tháng.
Từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng lên. Ảnh minh họa |
Mức lương tối thiểu theo giờ tại vùng I tăng từ 22.500 đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ, vùng II từ 20.000 đồng/giờ lên 21.200 đồng/giờ, vùng III từ 17.500 đồng/giờ lên 18.600 đồng/giờ, vùng IV từ 15.600 đồng/giờ lên 16.600 đồng/giờ.
Khi lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7, nhiều ý kiến thắc mắc có phải tất cả người lao động đều được tăng lương?
Theo tham vấn của luật sư, người lao động đi làm tại doanh nghiệp thông thường sẽ có 4 khoản lương cần quan tâm là: Lương tối thiểu vùng; lương cơ bản, lương cơ bản chính là thuật ngữ “mức lương” theo quy định tại Bộ luật Lao động và thông thường các công ty sẽ lấy lương cơ bản làm căn cứ để đóng Bảo hiểm xã hội; lương thỏa thuận; lương thực nhận.
Trong đó, lương cơ bản phải lớn hơn hoặc bằng lương tối thiểu vùng. Lương thỏa thuận có thể lớn hơn hoặc bằng lương cơ bản. Lương thực nhận có thể bằng hoặc nhỏ hơn hoặc lớn hơn lương thỏa thuận.
Lương tối thiểu vùng ≤ Lương cơ bản ≤ Lương thỏa thuận = < > Lương thực nhận.
Trong các khoản lương đó thì pháp luật chỉ điều chỉnh đối với lương cơ bản (tức mức lương).
Cụ thể, khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, khi tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2024, việc người lao động có được tăng lương hay không sẽ tùy vào trường hợp: Nếu lương cơ bản đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng mới thì công ty không bắt buộc phải tăng lương cho người lao động; nếu lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới thì công ty phải tăng lương cơ bản cho người lao động lên ít nhất bằng lương tối thiểu vùng mới.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên, tiền lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định. Theo đó, Điều 5 Nghị định 38/2022/NĐ-CP người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Đối với nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Do đó, sau khi tăng lương tối thiểu vùng lên 6% từ 1/7/2024 mà lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động của người lao động đang bằng hoặc thấp hơn lương tối thiểu đã tăng thì công ty cần tăng lên cho phù hợp với quy định mới.