Tăng cường triển khai cơ chế CBAM: Ngành thép thích ứng để xuất khẩu bền vững
Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối triển khai Đề án ứng phó Cơ chế СВАМ
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 6082/VPCP-NN gửi tới các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu. Tại thông báo này, Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các biện pháp hiệu quả ứng phó với Cơ chế CBAM, bao gồm việc xây dựng và triển khai Đề án ứng phó với Cơ chế СВАМ.
Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước bắt buộc phải chuyển đổi sản xuất theo hướng “xanh hóa” để có thể nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh: Thép Hoà Phát |
Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao nghiên cứu kinh nghiệm về giải pháp ứng phó của các nước cùng chịu tác động của CBAM, như: Indonesia, Nam Phi, Colombia… Tăng cường tham vấn, phối hợp lập trường với các nước đang và sẽ chịu tác động của CBAM tại các khuôn khổ song phương và đa phương như WTO, ASEAN...
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động thuộc nhóm giải pháp về phổ biến, tuyên truyền, chẳng hạn tổ chức các khóa tập huấn cho các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp... về CBAM. Bao gồm thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo đúng yêu cầu của cơ chế này. Việc bố trí kinh phí ngân sách nhà nước để triển khai các hoạt động này thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội ngành hàng triển khai các hoạt động thuộc nhóm giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp để thích ứng với các yêu cầu của CBAM. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan đánh giá, thẩm định các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài liên quan đến CBAM.
Cơ chế này hiện là một trong hai thách thức cho doanh nghiệp thép Việt Nam đang phải đối mặt bên cạnh rào cản từ biện pháp tự vệ đối với mặt hàng thép nhập khẩu của Việt Nam vào EU có thời hạn đến ngày 30/6/2026.
Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) nhận định: “Hiện tại, cơ chế này đang ở giai đoạn 1 (1/10/2023 - 31/12/2025) khi các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có các doanh nghiệp thép phải khai báo mức phát thải. Tuy vậy trong thời gian tới, khi cơ chế CBAM bước vào các giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp thép trong đó có Việt Nam bắt buộc phải mua chứng chỉ phát thải CBAM từ năm 2026 sẽ làm gia tăng chi phí, khó cạnh tranh về mặt giá trị nếu các doanh nghiệp không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất.”
Ngoài ra, thủ tục và cơ chế liên quan tới khai báo thông tin phát thải từ nhà xuất khẩu cũng có thể trở thành hàng rào kỹ thuật và hàng rào thương mại vào thị trường này.
Theo ước tính của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu dưới tác động của CBAM. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8% cùng với tác động bất lợi về khả năng cạnh tranh trên thị trường.
“Hiện tại, cơ chế này đang ở giai đoạn 1 khi các doanh nghiệp xuất khẩu trong đó có các doanh nghiệp thép phải khai báo mức phát thải. Tuy vậy, trong tương lai, khi cơ chế CBAM bước vào các giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp thép trong đó có Việt Nam bắt buộc phải mua chứng chỉ phát thải CBAM từ năm 2026 sẽ làm gia tăng chi phí, khó cạnh tranh về mặt giá trị nếu các doanh nghiệp không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất” - ông Phạm Công Thảo chỉ ra.
Tháo gỡ ‘'điểm nghẽn’' dài hạn cho ngành thép
Được biết, từ đầu năm 2024 nay, việc xuất khẩu thép vào EU sẽ phải tuân thủ một số quy định mới, bao gồm các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu cũng như chuẩn bị áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là những thách thức lớn buộc ngành thép phải vượt qua khi xuất khẩu vào thị trường này
Bên cạnh đó, cạnh tranh về giá thép thành phẩm nội địa năm 2024 ngày càng trở khốc liệt hơn trong những năm gần đây cũng như những năm tới do công suất sản xuất nhiều sản phẩm vượt xa nhu cầu nội địa; ngoài ra thị trường trong nước còn chịu áp lực lớn hơn từ thép nhập khẩu, đặc biệt là thép có nguồn gốc Trung Quốc và ASEAN.
Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, thị trường thép xuất khẩu của Việt Nam cũng đối mặt với thách thức bị thu hẹp dẫn tới hệ lụy các doanh nghiệp không xuất khẩu được sẽ quay trở lại tăng cường bán hàng tại thị trường trong nước, làm cho áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tác động của CBAM đối với hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam sang thị trường EU rõ ràng là một thách thức không nhỏ, nếu xét về ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, cùng với quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, phát triển năng lượng xanh, sản xuất xanh thì đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thép Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và phát triển bền vững.
Bên cạnh việc đề nghị Chính phủ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác phòng vệ thương mại để hạn chế thép giá rẻ, chất lượng kém làm ảnh hưởng tới thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có các biện pháp và hỗ trợ về tài chính để khuyến khích các nhà sản xuất thép nâng cấp các kỹ thuật sản xuất nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon, đồng thời loại bỏ dần năng lực sản xuất lạc hậu.
Dưới góc độ quản lý nhà nước về lĩnh vực thép, dưới tác động của các hàng rào kỹ thuật và cơ chế CBAM khi xuất khẩu thép vào EU, ông Đỗ Nam Bình, Trưởng phòng Khoáng sản và Luyện kim, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp thép cần tiếp tục tuân thủ các quy định của pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Quyết định 01/2022/QĐ-TTg, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu... và cam kết của Việt Nam tại COP26.
Hiện, EU là một trong những thị trường xuất khẩu top đầu của ngành thép Việt Nam. Theo nhận định, nếu các doanh nghiệp thép Việt Nam không ứng phó tốt với CBAM, xuất khẩu sang EU sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ hơn là mất thêm nhiều thị trường khác khi những quốc gia này đang xem xét áp dụng các quy định tương tự như CBAM.
Chính vì thế, ông Bình khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước bắt buộc phải chuyển đổi sản xuất theo hướng “xanh hóa” để có thể nâng cao sức cạnh tranh.
Mặt khác, doanh nghiệp cần tối ưu hóa công nghệ, tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ giảm phát thải carbon để phát điện nhiệt dư, đồng thời thực hiện việc công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, thống nhất hệ thống quản lý mã số hàng hóa xuất nhập khẩu (HS Code) với cơ quan quản lý xuất nhập khẩu để sẵn sàng thực hiện CBAM.
Cơ chế CBAM là một chính sách thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu, là chiến lược tăng trưởng mới của EU nhằm xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trên cơ sở một nền kinh tế sạch và bền vững. Việc ban hành CBAM được xem là một chính sách thương mại về môi trường bao gồm các khoản thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. |