Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
Giải pháp sáng tạo, nhân văn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam
Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ra đời, đã đáp ứng đúng nguyện vọng và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Để phục vụ xây dựng Đề án tổng kết về thực trạng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 2/7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới”.
Hội thảo khoa học Đ"ịnh hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới" |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ra đời đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp và khó lường; nhiều xu hướng mới xuất hiện như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cách mạng công nghiệp 4.0; những vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… đang diễn biến ngày càng sâu sắc với những tác động nhiều chiều đến nền kinh tế nước ta. Tất cả những điều đó đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động của tín dụng chính sách xã hội và đặt ra những yêu cầu mới.
“Cần phải có những quan điểm mới, giải pháp mới đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhất là nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội”, ông Sơn nói.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo |
Theo ông Sơn, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn có nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục. Với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương được Ban Bí thư giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Chia sẻ về quá trình triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, TS. Dương Quyết Thắng, Uỷ viên HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quyết tâm cao của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng; đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... góp phần thực hiện các chính sách xã hội, tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Đến 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 367.305 tỷ đồng, tăng 232.632 tỷ đồng (gấp 2,8 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hằng năm đạt 10,6%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 346.199 tỷ đồng, tăng 216.743 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 10,4%; trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 123.590 tỷ đồng, chiếm 35,6%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo 33.546 tỷ đồng, chiếm 10%/tổng dư nợ, với gần 556 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 85.857 tỷ đồng, chiếm 25%/tổng dư nợ với trên 1,6 triệu khách hàng còn dư nợ.
TS. Dương Quyết Thắng, Uỷ viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH phát biểu tại Hội thảo |
Tạo lập nguồn vốn tín dụng chính sách ổn định và bền vững
Để tạo điều kiện cho tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản gửi tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương đề nghị tiếp tục dành sự quan tâm đối với công tác tín dụng chính sách xã hội. Kết quả là nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội có sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ 5% (năm 2014 - thời điểm ban hành Chỉ thị số 40-CV/TW) đến nay chiếm tỷ trọng trên 12% trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Không những vậy, nhằm tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo chủ trương tại Chỉ thị số Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo đơn vị chức năng chủ động tìm kiếm, nghiên cứu tiến tới đàm phán, ký kết các dự án tín dụng, các nguồn tài trợ cho công tác giảm nghèo từ các tổ chức quốc tế.
Cụ thể như, giai đoạn 2014-2017, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì đàm phán chuỗi 03 khoản vay tín dụng ưu đãi hỗ trợ ngân sách nhà nước của Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh (EMCC) từ Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) với tổng giá trị tương đương 750 triệu USD để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2011-2018, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, đàm phán và ký kết với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) 67 chương trình/dự án, với khoảng hơn 8,5 tỷ USD cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số…
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế phát biểu tại Hội thảo |
Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng nhà nước đã rất tích cực đồng hành cùng Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, thông qua việc duy trì 2% số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội và mua trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ bảo lãnh, để ổn định, bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong triển khai thực hiện tốt các chương trình, tín dụng chính sách. Đến nay, hai nguồn vốn này chiếm tỷ trọng gần 60% trên tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội...
Là một trong số những ngân hàng đang duy trì số dư tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Đoàn Ngọc Lưu, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho rằng, việc duy trì số dư tiền gửi đã thể hiện vai trò quan trọng, tạo nguồn vốn ban đầu để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai hoạt động. Thông qua sứ mệnh và mạng lưới hoạt động rộng khắp cả nước, Agribank cùng Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc truyền thông chủ trương, chính sách và các chương trình tín dụng xã hội, trở thành kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả, giúp người nông dân từng bước xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen.
Tuy nhiên, khoản tiền gửi của Agribank và các tổ chức tín dụng Nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội không được sử dụng linh hoạt trên thị trường nên thực chất là tiền gửi dài hạn, được duy trì liên tục qua rất nhiều năm từ nguồn tiền gửi kỳ hạn dài, lãi suất cao của khách hàng. Ngoài lãi suất phải trả khách hàng để huy động tiền gửi, các tổ chức tín dụng còn phải chịu nhiều chi phí khác và các khoản chi phí có xu hướng tăng dần hàng năm... đang là những khó khăn, vướng mắc của Agribank trong quá trình triển khai hỗ trợ tín dụng chính sách.
Đề xuất một số giải pháp để tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội đề xuất, Chính phủ có kế hoạch tăng nguồn vốn cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó lưu ý việc mở rộng đối tượng, chính sách cho vay, nâng mức cho vay; bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tọc thiểu số và miền núi; cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép mở hạn mức phát hành trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ bảo lãnh nhằm tận dụng nguồn vốn giá rẻ, thời hạn dài, đáp ứng được nguồn vốn cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP; tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp nhận nguồn vốn ODA để tạo lập nguồn vốn ổn định, lãi suất thấp để tăng nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; xây dựng hoàn thiện cơ chế tạo lập nguồn vốn, cơ chế tài chính, tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng ổn định và bền vững...